HƯỚNG DẪN QUAY VIDEO BÀI GIẢNG TRỰC TUYẾN

hướng dẫn quay video bài giảng trực tuyến

(Tài liệu mang tính chất tham khảo, khuyến nghị, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân)

Với kinh nghiệm thực chiến, trực tiếp tạo bài giảng, nội dung chương trình và sản xuất video bài giảng trực tuyến (video đóng gói) từ năm 2013, và đã bán khoảng 30 bộ video khóa học (tương đương với 30 nội dung khóa học khác nhau), sản xuất trên 2.000 video đơn lẻ (có thể kiểm chứng thông tin trên kênh Youtube PA Marketing www.youtube.com/pamarketing) bán trên các nền tảng Edumall, Kyna, Unica, Udemy… tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm nhỏ để các anh/chị giảng viên, nhà đào tạo tham khảo. Để có chất lượng video về hình ảnh, âm thanh tốt, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật mà học liệu điện tử cần có, các thầy cô giảng viên và tham khảo thêm và có thể áp dụng nếu thấy phù hợp.

TOP khoá học Marketing của Nguyễn Phan Anh - Chuyên gia Marketing Online

 

1/ Về Slide

– Nên đầu tư thời gian làm slide đẹp và chuyên nghiệp vì khi quay video dạng quay màn hình thì slide chiếm diện tích màn hình của video là chính (khoảng 90% diện tích màn hình là slide, khuôn mặt của giảng viên chỉ chiếm khoảng 5-10% diện tích trên màn hình), nên nếu slide mà xấu thì cả video sẽ không được đẹp.

– Sử dụng template bắt buộc của nhà trường và các quy định về cỡ chữ, font chữ… đã có

– Đạt các chuẩn về chuyên môn theo quy định

 

2/ Về phần mềm quay video

– Có thể sử dụng bất kỳ phần mềm nào có tính năng quay lại màn hình và kết hợp với camera quay khuôn mặt của giảng viên, ví dụ như Camtasia, Bandicam, Camstudio, OBS… hoặc tính năng phần mềm Microsoft Powerpoint miễn là thấy phù hợp và dễ sử dụng với cá nhân giảng viên.

– Phải sử dụng bản miễn phí hoặc bản trả phí, không sử dụng bản dùng thử (vì có thể có watermark thương hiệu phần mềm – thương hiệu mờ trong video do phần mềm chèn vào).

OBS Studio trên Steam

– Với các máy tính hệ điều hành MacOS có thể sử dụng phần mềm QuickTime có sẵn trong máy tính để quay video màn hình với chất lượng FullHD.

– Với các máy tính hệ điều hành Windows 10, 11 có thể sử dụng phần Clipchamp có sẵn trong Windows.

 

3/ Về âm thanh và kỹ thuật thu âm

– Thông thường thì phần mềm quay video sẽ thu âm đồng thời nên các giảng viên không cần làm thêm gì nữa. Tuy nhiên, khuyến nghị nếu có

– Giảng viên có thể thu âm bằng phần mềm riêng, sau đó biên tập video với âm thanh

– Khi quay video bằng máy tính xách tay, do chạy phần mềm quay video là một phần mềm “nặng” nên máy tính sẽ hoạt động mạnh và quạt tản nhiệt sẽ kêu to hơn bình thường, và âm thanh này sẽ lọt vào video trong quá trình quay video

– Chọn thời điểm yên tĩnh trong ngày, không gian yên tĩnh để quay để giảm tạp âm, vì có rất nhiều tạp âm có thể lọt vào bài giảng (ví dụ như tiếng xe cộ ồn ào, tiếng trẻ con người lớn nói chuyện, tiếng gà gáy, tiếng chim kêu, tiếng mở cửa…) tiếng ồn và tạp âm lọt vào video sẽ làm cho video không chuyên nghiệp.

– Nếu có điều kiện nên sử dụng Mic thu âm điều hướng gắn ngoài (đi mượn, đi thuê, hoặc đi mua) sẽ cho chất lượng âm thanh không có tạp âm.

– Với các sự cố không mong muốn như tiếng ho, tiếng hắt hơi hoặc tiếng động lọt vào video…, các giảng viên có thể dừng lại 30 giây – 60 giây rồi quay tiếp (lưu ý: không tắt, không dừng phần mềm quay video, video vẫn quay tiếp), vẫn quay tiếp bình thường; sau đó có thể dùng phần mềm biên tập video để cắt phần, đoạn video lỗi đó đi để tiết kiệm thời gian.

 

4/ Về ánh sáng

– Để video sáng đẹp hơn thì môi trường quay video cần có đủ ánh sáng hoặc dư ánh sáng. Do điều kiện quay video thường là phòng làm việc, tại văn phòng bộ môn hoặc tại nhà riêng nên ánh sáng hiện có tại địa điểm lựa chọn có thể sẽ không đủ sáng cần thiết.

– Nên chọn địa điểm có ánh sáng tốt và có hậu cảnh tốt cũng tạo điểm nhấn cho video.

– Có thể tăng các nguồn ánh sáng thêm cho video bằng cách sử dụng nhiều đèn hơn, và sử dụng thêm các đèn học để tăng độ sáng, tập trung nguồn sáng vào chủ thể (là người đang quay)

– Nếu có điều kiện các giảng viên có thể sử dụng các đèn studio chuyên dụng sẽ tạo ánh sáng đẹp và video có độ sắc nét cao.

 

5/ Về trang phục

– Các giảng viên nên ăn mặc lịch sự, áo có cổ, đầu tóc gọn gàng

– Với các giảng viên nữ, có thể trang điểm nhẹ theo ý thích.

Giảng viên Phan Anh - PA Marketing

 

6/ Về hậu cảnh

– Do quay video thường có phần hậu cảnh (background) sẽ lọt vào hình, nên các giảng viên lựa chọn một hậu cảnh (sau lưng chỗ mình ngồi) phù hợp với tiêu chí đơn giản, lịch sự, gọn gàng. Ví dụ như đằng sau là giá sách, bức tường đẹp.

– Chú ý sắp xếp phần hậu cảnh phù hợp.

– Xịn nhất thì dụng phông xanh, sau đó sẽ tạo hậu kỳ tách nền và tạo hiệu ứng chuyên nghiệp hơn nhưng sẽ tốn nhiều công sức hơn, tốn thêm chi phí hậu kỳ.

 

7/ Bắt đầu ghi video bài giảng

– Các giảng viên nên đọc trước phần slide và giáo trình của đề mục đó và tưởng tượng những gì sẽ nói, cần nói; có thể phải quay “nháp” trước khi quay thật hoặc quay 2-3 lần, lấy một lần có chất lượng tốt nhất.

– Vì thời lượng chuẩn của một video là từ 10-15 phút cho video bài giảng (không bao gồm các video giới thiệu chương, giới thiệu học phần, ôn tập chương, trắc nghiệp) nên cần phân chia và tính toán các đề mục của từng Chương hợp lý và chuẩn bị hợp lý để không bị thiếu, không bị thừa.

– Tốc độ giảng bài hoàn toàn bình thường theo cách nói của người dạy, vì là giảng dạy trực tuyến nên các giảng viên cố gắng nói với tốc độ bình thường hoặc nói nhanh, nói to, rõ thay vì nói với tốc độ chậm ê a có thể tạo cảm giác buồn ngủ.

– Video giảng bài cũng nên theo một phong cách tự nhiên như đang giảng bài với sinh viên/ người học ngồi trước mặt

 

8/ Về hậu kỳ video (biên tập video)

– Với các video có một phần, một đoạn nội dung lỗi (ví dụ bị vấp, bị hắt hơi, bị ho, bị tạp âm) các giảng viên có thể sử dụng phần mềm biên tập video để cắt video, ghép video, chỉnh sửa video (ví dụ tăng độ sáng, tăng tốc độ phát video, đổi định dạng video…)

– Có thể sử dụng bất kỳ phần mềm nào phù hợp, bản cài đặt trên máy tính hoặc bản on-web trực tuyến cũng được, có rất nhiều phần mềm có sẵn.

– Với các máy tính chạy hệ điều hành Windows 10, 11 có thể sử dụng phần mềm biên tập video sẵn có là Clipchamp.

– Với các máy tính chạy hệ điều hành MacOS có thể sử dụng phần mềm biên tập video sẵn có là iMovie.

 

9/ Về phần cứng

– Các giảng viên cần phần cứng bao gồm máy tính có sẵn camera tích hợp, mic thu âm tích hợp vẫn còn hoạt động tốt.

– Với các máy tính không có camera tích hợp (đời cũ, hỏng, hoặc máy để bàn) thì có thể sử dụng camera gắn ngoài. Nên mua/ thuê/ mượn camera gắn ngoài Full-HD để quay video. Tương tự như vậy đối với mic thu âm nếu không còn hoạt động.

– Có thể sử dụng máy quay video chuyên dụng như handcam, procam để quay video chất lượng cao trong thời gian dài.

 

Tên tôi là Nguyễn Phan Anh

Nghề nghiệp: Giảng viên đại học/ Chuyên gia tư vấn

Số năm kinh nghiệm: 15 năm công tác

Giảng dạy bậc đại học và doanh nghiệp

Lĩnh vực: thương mại điện tử, marketing điện tử, kinh doanh online, quảng cáo trực tuyến, marketing

Học vấn: Hai bằng thạc sỹ, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế Đại học Nice-Sofia Antipolis; Thạc sỹ luật đại học Luật Hà Nội; Nghiên cứu sinh tiến sỹ.

Ngoại ngữ: IELTS 6.0

Website: pamarketing.vn

Youtube: www.youtube.com/pamarketing

FB: www.fb.com/phananhonline

SĐT/ Zalo: 0989623888

 

 

 


Bài viết liên quan