Vai trò của marketing online

Tìm hiểu vai trò của Marketing online

Nói chung thì chúng ta đều nhận thấy rằng Marketing Online là xu hướng cực kỳ mạnh mẽ, là xu thế vượt trội của Marketing hiện đại với rất nhiều minh chứng và con số thống kê ấn tượng trong những năm trở lại đây. Một lần nữa, trong nghiên cứu này, tôi tái khẳng định thông điệp Marketing Online có vai trò rất quan trọng đối với quá trình kinh doanh, làm thương hiệu và bán hàng của các doanh nghiệp dù là lớn hay vừa, vừa hay nhỏ hoặc là các cá nhân bán hàng, các công ty khởi nghiệp…

Nếu doanh nghiệp nào, tổ chức nào, đội nhóm nào, cá nhân nào ứng dụng Marketing Online thành công thì sẽ có doanh thu lớn, lợi nhuận lớn và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Ngược lại, nếu không biết đến lợi thế của Marketing Online cũng như không biết ứng dụng hiệu quả thì dần dần bị chiếm mất ưu thế, rất có thể sẽ bị rơi vào quá trình thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc không thể tăng trưởng, hoặc có thể bị phá sản… chuyện “phình phường ở huyện”. Trong đề mục nội dung này, tôi sẽ tiếp cận theo cách là chia các chủ thể của nền kinh tế và vai trò của Marketing Online đối với từng chủ thể đó.

– Đối với doanh nghiệp:

Marketing Online giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, tiếp cận tập khách hàng mới, có một phương thức mới để kinh doanh hiệu quả hơn, tăng tốc độ bán hàng, tăng doanh thu và sản lượng bán. Phương pháp truyền thống, hoặc chưa từng biết đến Marketing Online, hoặc nghi ngờ về tính hiệu quả của phương thức này, hoặc nghi ngờ vào năng lực của bản thân và công ty theo kiểu “Marketing Online khó lắm, Marketing Online đòi hỏi phải có hiểu biết nhiều về công nghệ, Marketing Online dành cho giới trẻ còn anh/chị thì già rồi, Marketing Online là cái bọn đang bán hàng trên Facebook Zalo chứ gì…”.

Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp cần có một chiến lược kinh doanh dựa trên Marketing Online rõ ràng, có tầm nhìn dài hạn, có sự đầu tư vào quá trình học hỏi, thử nghiệm và thử sai, quá trình đầu tư thật sự. Bởi vì khi đó bạn mới tận dụng được hết sức mạnh của Marketing Online đem lại cho bạn và doanh nghiệp của bạn.

Trong một số báo mới nhất của tạp chí Forbes tại Việt Nam (khoảng tháng 07, 08/2018) có đưa tin bài về một nội dung là theo chia sẻ của doanh nghiệp thì những doanh nghiệp lớn như hãng Nestle Vietnam phải mất đến hai (02) năm để học hỏi, nghiên cứu về Marketing Online để áp dụng cũng như thử nghiệm, thử sai dần dần. Để rồi sau hai năm đó, đội ngũ nhân sự và phòng Marketing/ truyền thông của doanh nghiệp mới có khả năng tự đảm đương các chiến dịch Marketing Online.

Qua câu chuyện này chúng ta thấy rằng việc áp dụng, học hỏi về Marketing Online là cần thiết và có thể tự học được. Doanh nghiệp có thể cử nhân viên đi học, doanh nghiệp có thể mời chuyên gia về đào tạo theo đơn đặt hàng “may đo”, doanh nghiệp có thể tự học hỏi trên mạng Internet hoặc tham gia các chương trình đào tạo trực tuyến, cũng có thể mua các cuốn sách, tài liệu để tự học.

Nhưng cũng cần lưu ý đến một thông tin là “mất hai năm để học hỏi” – đây là một con số thể hiện doanh nghiệp rất nghiêm túc trong việc học tập và nghiên cứu vì muốn mình tự làm tốt về một lĩnh vực còn mới mẻ. Theo kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng việc học tập và nghiên cứu về Marketing Online cần một khoảng thời gian đủ lớn để doanh nghiệp thực sự hiểu được các vấn đề quan trọng của Marketing, chứ không phải chỉ là tham dự một vài chương trình hội thảo “phễu” của mấy diễn giả là đủ, hoặc chỉ tham dự mấy buổi tập huấn của một số đơn vị cơ quan, doanh nghiệp cá nhân tổ chức là đủ! Như vậy là chưa đủ. Muốn trở thành chuyên gia bạn luôn cần đến 10.000 (mười nghìn) giờ làm việc nghiêm túc với lĩnh vực đó

– Đối với người khởi nghiệp

Thực tế trong kinh doanh hiện nay có nhiều, rất nhiều cá nhân, đội nhóm, công ty khởi nghiệp bao gồm các bạn trẻ, các bà mẹ bỉm sữa (đây là một đội quân bán hàng Online rất đông đảo về số lượng), các công ty có các ý tưởng kinh doanh, bán hàng, kiếm tiền và bắt đầu bắt tay vào làm. Theo quan sát, dễ dàng nhận thấy có một tỷ lệ rất lớn những người khởi nghiệp kinh doanh bắt đầu với công cụ Marketing Online.

Có thể là bán hàng trên mạng Internet, cụ thể là bán hàng hóa trên Facebook, Website, Zalo, các trang rao vặt, các trang thương mại điện tử v.v…, hoặc cung cấp dịch vụ gì đó cho những người kinh doanh trên mạng, cung cấp dịch vụ công nghệ như phần mềm quản lý Fanpage, phần mềm bán hàng, phần mềm cho điện thoại di động hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp hoặc là các cá nhân; hoặc là các doanh nghiệp nhập hàng từ nước ngoài về phân phối, bán lẻ; cũng có thể là đặt hàng sản xuất kiểu gia công (OEM) từ nước ngoài về, lấy thương hiệu của mình và phân phối tại Việt Nam cũng cần đến Marketing Online để giới thiệu sản phẩm, quảng cáo, bán hàng và tìm kiếm đối tác, đại lý bán hàng.

Công cụ Marketing Online giúp cho các nhà khởi nghiệp, các bạn trẻ bắt đầu kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều bởi vì đối tượng khách hàng có sẵn ở trong “friends list”, khả năng tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu rất dễ dàng thông qua các công cụ quảng cáo trực tuyến như Facebook, Google, Youtube, Instagram, LinkedIn, Pinterest… hay Twitter. Công cụ Marketing Online cũng có thể giúp cho các nhà khởi nghiệp không phải bỏ ra quá nhiều tiền hoặc cần một lượng tiền vốn lớn để có thể tiếp cận được thị trường hoặc chờ đợi quá lâu mới biết được thị trường có thể bán được sản phẩm đó hay không. Bởi khả năng tiếp cận nhanh và có hiệu quả tức thì của các công cụ Marketing Online cho phép chúng ta bán được hàng ngay và thu được tiền ngay.

– Đối với người bán hàng, bán hàng Online

Nếu bạn đang kinh doanh, đang bán hàng, dù là bán bất cứ sản phẩm hoặc dịch vụ gì, nếu bạn chưa từng làm bất cứ hành động nào để “Online” hoặc chưa biết “bán hàng Online là gì” thì việc đầu tiên cần làm là “học mọi cách, học mọi lúc, học mọi nơi, học mọi người… để có thể Online”. Bước tiếp theo sẽ là “chiến lược Marketing Online bài bản và hiệu quả”. Tôi cũng hiểu rằng không phải sản phẩm nào cũng có thể bán hàng Online được, có những sản phẩm rất dễ dàng, có những sản phẩm thì khó hơn hoặc có những sản phẩm Online tại thời điểm này chưa phù hợp. Nhưng xa hơn thì sao? 5 năm nữa? 10 năm nữa? Nếu như lúc đó bạn cũng vẫn chưa Online thì sao? Có thể bạn sẽ không còn cơ hội nào để kinh doanh nữa, vì hành khách hàng lúc đó đã Online rất mạnh mẽ, mọi điều kiện thuận lợi cho việc Online đã trở nên chín muồi và dễ dàng hơn bao giờ hết. Bạn đã từng nghe đến câu chuyện “ăn mày QR Code ở Trung Quốc” rồi chứ?

Có một bài báo nói rằng, ăn mày ở Trung Quốc giờ muốn xin được tiền cũng phải xài smartphone kèm theo một hay nhiều ứng dụng (mobile apps) chuyển tiền tại thị trường Trung Quốc để được người ta chuyển tiền “bố thí Online” bằng cách quét mã QR (QR code) và chuyển khoản. Vì vấn đề bây giờ rất nan giải là người ta không còn dùng tiền mặt, thì lấy đâu tiền mặt hay tiền lẻ để cho? Ăn mày cũng phải thức thời thì mới xin được tiền. Còn bạn thì sao?

– Đối với khách hàng

+ Khách hàng ngày nay sử dụng đa phương tiện khi truy cập vào mạng Internet. Họ sử dụng “đa màn hình” (multi-screens) khi truy cập vào Internet và mạng xã hội. Khách hàng truy cập thông qua máy tính để bàn (desktop) tại nơi làm việc hoặc tại nhà riêng; họ tiếp tục truy cập bằng laptop cá nhân với mục đích công việc hoặc nhu cầu cá nhân; khi di chuyển hoặc tranh thủ những lúc không có máy tính ở bên, họ truy cập bằng thiết bị di động như smartphone (chủ đạo), máy tính bảng (tablet) hoặc các thiết bị đeo thông minh, thiết bị hỗ trợ cá nhân thông minh v.v…; về nhà họ tiếp tục truy cập vào mạng bằng máy tính ở nhà (desktop/laptop) hoặc bằng điện thoại di động; vào buổi tối họ có thể tranh thủ xem tivi một số kênh truyềnhình và chương trình truyền hình yêu thích bằng thiết bị tivi (mà ngày nay thường là tivi thông minh có kết nối Internet). Điều này đặt ra một vấn đề đau đầu và tốn kém cho doanh nghiệp, rằng bạn phải tiếp cận khách hàng ở mọi thiết bị, hiểu từng thời điểm họ truy cập bằng thiết bị gì và sử dụng dịch vụ nào, xem-nghe-nhìn nội dung gì?  Nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng, vì dù dùng thiết bị gì thì họ cũng sẽ chỉ truy cập một số dịch vụ (ứng dụng) cụ thể thôi.

+ Khách hàng chủ đạo truy cập vào Internet với một số nhu cầu cơ bản như đọc báo và cá trang tin điện tử để cập nhật tin tức, (Vnexpress.net, Dantri.com.vn, Kenh14.vn…) các trang báo theo chuyên ngành, các trang báo theo chủ đề, giới tính và tuổi tác…; truy cập các trang diễn đàn theo chủ đề (như ô tô, xe máy, phượt, thời trang, nuôi dạy con cái, giáo dục giới tính…); khách hàng chơi Facebook như một thói quen, công việc, bán hàng và kết nối với mọi người; khách hàng cũng sử dụng Zalo như một công cụ nhắn tin và trao đổi công việc; Email (Gmail, Hotmail, Yahoo Mail) cho việc trao đổi công việc; khách hàng sử dụng Google tìm kiếm cho mọi mục đích tìm kiếm thông tin và kiểm chứng các nguồn thông tin, Facebook Graph cho việc tìm kiếm trên Facebook, Youtube tìm kiếm cho việc tìm kiếm video…; một số khác sử dụng Youtube cho việc xem các video ca nhạc, giải trí, học tập… hoặc đăng tải các video; Instagram cho việc chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội hình ảnh; các ứng dụng cho điện thoại di động, máy tính bảng, laptop phổ biến hoặc không phổ biến khác phục vụ các nhu cầu và công việc khác nhau như ứng dụng lưu trữ tài liệu, ứng dụng soạn thảo và đọc văn bản, ứng dụng lịch làm việc, ứng dụng bản đồ và tìm kiếm đường đi, ứng dụng trình chiếu văn bản, ứng dụng đọc sách, nghe nhạc, xem phim, chụp ảnh quay phim…

+ Trong quá trình hay quy trình mua hàng của khách hàng thường có ít nhất một bước hoặc nhiều hơn một bước sử dụng công cụ Marketing Online để mua hàng. Có thể là dùng Facebook để hỏi ý kiến bạn bè về một sản phẩm/dịch vụ/thương hiệu/người bán hoặc cũng nhìn thấy hình ảnh/video trên Facebook mà nảy sinh nhu cầu tức thì. Cũng có thể là dùng Google để tìm kiếm thông tin và đánhgiá thông tin về sản phẩm/dịch vụ/giá bán/địa điểm bán hàng/cách thức giao hàng…; khi truy cập vào Website mua hàng khách hàng còn tìm kiếm thêm rất nhiều thông tin của những người bán hàng khác bằng cách mở trình duyệt web với nhiều tab (thẻ) cùng một lúc để đọc và so sánh giá cả, so sánh các tiêu chí giữa các người bán để tối ưu lợi ích của việc mua hàng. Hơn hơn nữa, với những khách hàng hiện đại, sành điệu, họ sử dụng các công cụ Marketing Online cho tất cả quá trình mua hàng của mình vì họ đã có kinh nghiệm mua hàng trực tuyến.

+ Marketing Online thực sự là một công cụ quan trọng, làm cho khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ, khiến cho cho khách hàng có “quyền lực” hơn trong quá trình mua hàng so với trước đây.

+ Các Website và apps mua hàng trên toàn quốc (nội địa) và trên thế giới (quốc tế) khiến cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn mua hàng. Điều này tăng sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp bán hàng trong nước, những người bán hàng Online hay Offline khác. Đây là một thông tin tôi cho rằng rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến quyết định mua của khách hàng, và lý giải cho một số lý do vì sao doanh nghiệp kinh doanh thấy ngày càng khó khăn.

+ Marketing Online tiếp tục phát triển rất mạnh mẽ và đa dạng về các công cụ, các nền tảng, các cách thức tiếp cận khách hàng, những cách thức bán hàng mới, những cách thức phục vụ khách hàng mới. Tất cả đều hướng tới một việc “thứ nhất khách hàng là thượng đế, thứ hai nếu sai thì xem lại điều một”: Giúp khách mua hàng nhanh nhất, mua hàng tiện nhất, trải nghiệm tốt nhất, cách thức thanh toán hiện đại, giao nhận tức thì, phần mềm và công nghệ giúp nhận biết nhu cầu của khách hàng trước khi họ nhận ra nhu cầu đó. Việc của doanh nghiệp là hãy nắm bắt xu hướng và làm chủ công nghệ Marketing Online.

Nguyễn Phan Anh PA Marketing

LH: 0889 255678 – 0906 950333

Fanpage:  http://www.fb.com/phananhonline

Website:  http://www.pamarketing.vn


Bài viết liên quan