Kinh doanh thực phẩm sạch có dễ?

Kinh doanh thực phẩm sạch có dễ?

>>> Đọc thêm: 7 công cụ Facebook Marketing ít người biết giúp tạo nội dung ấn tượng

Kinh doanh thực phẩm sạch không hề dễ.

Kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ không hề dễ như bạn tưởng. Tôi xin lấy một ví dụ là một trải nghiệm tư vấn của tôi với một khách hàng đã kinh doanh mảng này để các bạn hiểu rõ hơn.
Cách đây khoảng gần 2 năm, khi vẫn còn đang dạy các khóa học “Tối ưu quảng cáo và Coupon” kinh điển với chương trình học chỉ vỏn vẹn trong 01 buổi học (03 giờ học) với học phí 500k, 600k, 800k và sau đó là 1 triệu/ 1 buổi học. Tôi có một chị học viên đến lớp, học rất nghiêm túc và hăng say, sau buổi học, chị đề nghị gặp thêm tôi để thảo luận về vấn đề kinh doanh của chị: thực phẩm sạch.
Chị có một trang trại trồng rau sạch, nuôi lợn sạch theo tiêu chuẩn (tiêu chuẩn chuồng trại, tiêu chuẩn thức ăn đều là thức ăn sống, chăm sóc có quy trình tiêu chuẩn). Thành phẩm là những con lợn rất ngon lành, sạch sẽ, đạt tiêu chuẩn kiểm định hầu hết các chỉ số (hơn 20 chỉ số an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng), khách hàng nào ăn thịt lợn, ăn rau tại trang trại đều rất thích và khen ngon. Nhưng vấn đề là sản phẩm không tiêu thụ được nhiều, rất khó tìm kiếm khách hàng mới, sản phẩm tiêu thụ rất chậm và không đều, chỉ bán được một số ít các bộ phận của một con lợn.
Chị có nói rằng: 5 năm trước (tại thời điểm tư vấn là năm 2015) khi chị tìm hiểu về thị trường thì chị thấy thị trường màu hồng, thực sự rất tiềm năng, chị đã chi tiền xây dựng trang trại, cho ra những sản phẩm thực sự tốt cho thị trường. Sau gần 5 năm nuôi trồng và sản xuất thì chị chỉ còn thấy có một màu xám xịt và chán nản. Số vốn gần hết sau quá trình kinh doanh. Không chỉ có chị ấy, theo quan sát thì kể cả những nhà bán lẻ như Mr. Sạch, Bác Tôm và nhiều điểm bán khác cũng chật vật chống cự với thị trường trong một thời gian rất dài.
Vấn đề mọi người rất thắc mắc là vì sao sản phẩm tốt mà thị trường lại không hề có phản ứng tốt? Trong khi các sản phẩm kém chất lượng thì tràn lan trên thị trường mà người tiêu dùng vẫn không biết hoặc cố tình phớt lờ nguy hiểm và sử dụng.

Những lý do khiến kinh doanh thực phẩm sạch trở nên khó khăn.

– Tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm có chất gây ung thư, có sử dụng hóa chất trong nuôi trồng rất phổ biến, phổ biến đến nỗi mà “nghe nhiều thành quen”.
– Thực phẩm bẩn ăn vào cũng không chết ngay, nên người tiêu dùng vẫn chưa thấy cần thiết lắm đối với việc sử dụng thực phẩm sạch. Cũng đồng nghĩa với việc là người tiêu dùng chưa thực sự khắt khe và kỹ tính với việc lựa chọn thực phẩm cho mình. Họ có suy nghĩ, nhưng phần lớn là chưa hành động.
– Thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ ngon lành, chất lượng thì giá thường khá là cao, thương lái và những nhà bán lẻ (siêu thị) không mặn mà với sản phẩm này, nên việc cung ứng sản phẩm này ra thị trường còn rất khó khăn. Đối với đại đa số người tiêu dùng thì thực phẩm sạch và thực phẩm hữu cơ vẫn là xa xỉ, vì nó khá đắt so với sản phẩm không rõ nguồn gốc, nên chúng ta vẫn tặc lưỡi mua bán và nấu nướng ăn.
– Thói quen ăn uống vỉa hè, mua thực phẩm của người bán hàng rong, của các chợ cóc, chợ tạm, chợ nhỏ vẫn còn rất phổ biến, thì đừng đòi hỏi của thực phẩm sạch và thực phẩm hữu cơ.
– Không có các thiết bị đo lường tiêu chuẩn thực phẩm sạch và an toàn khi đi chợ. Mua thiết bị này khá đắt và mỗi khi đi chợ lại phải mang theo, cắm cắm vào, không mua thì người ta lại chửi cho, nên chẳng thấy có mấy người mua thiết bị này, mua rồi thì cũng ít ứng dụng. Rõ khổ.
– Một số khách hàng quan tâm đến sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ thì không biết mua ở đâu, mua chỗ nào thì mới là chuẩn. Thiếu thông tin, thiếu kênh phân phối, thiếu sự uy tín và tin tưởng của người tiêu dùng vào nhà sản xuất, nhà cung cấp nên khiến cho việc tìm được và ra quyết định mua rất khó khăn. Họ hoài nghi vì “cả thị trường, ai cũng thế”.
Một số ít khách hàng khác thì bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách nhờ người quen mua từng quả trứng, con gà, cây rau, cân gạo ở quê mang lên, dứt khoát phải rõ nguồn gốc xuất xứ “Thực phẩm quê chính gốc và an toàn”.
– Chưa có một thương hiệu nào đủ uy tín để lấy được lòng tin của người tiêu dùng – lòng tin vào thực phẩm sạch vốn dĩ đã bị bào mòn từ rất lâu, xói mòn nghiêm trọng tại thời điểm đó. Cho đến nay, khi tập đoàn Vingroups tung ra sản phẩm rau sạch, rau hữu cơ với thương hiệu VinEco mọi người đã ngay lập tức hưởng ứng rất nhanh chóng, vì họ có niềm tin lớn với thương hiệu “Vingroups”.
– Đầu tư vào ngành nông nghiệp nói chung và ngành thực phẩm (rau củ quả, thịt cá trứng) sạch và hữu cơ đòi hỏi vốn lớn, thời gian đầu tư dài hạn, chứ không dễ như đặt quảng cáo Facebook Ads, sáng đặt chiều có comment ngay. Nên vấn đề các nhà cung cấp thực phẩm sạch hay thực phẩm hữu cơ còn khá manh mún.
– Nhiều nhà sản xuất, đầu tư, kinh doanh còn khá chủ quan, thờ ơ, thiếu kinh nghiệm với hoạt động tìm kiếm đầu ra, hoạt động marketing quảng bá thương hiệu nói chung nên cả người mua và người bán vẫn khó có thể tìm thấy nhau. Chỉ khách hàng mà tôi đề cập đến, chị ấy cũng rất nỗ lực tìm kiếm khách hàng nhưng theo một cách khá thủ công và đi theo lối truyền thống, và tại thời điểm chị ấy kinh doanh (nuôi trồng) thì có lẽ tôi nghĩ là “đi sớm hơn thị trường khá nhiều nên chưa phải là thời điểm tốt nhất cho kinh doanh”, đến khi thị trường tốt thì mình vừa hết vốn.
– Cơ chế quản lý nhà nước từ quá trình sản xuất đến quá trình lưu thông dù đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực, chế tài, pháp lý, nhưng cũng không thể kiểm soát xuể tình trạng nuôi trồng thực phẩm nhiễm bẩn.
Tóm lại, kinh doanh bao gồm sản xuất và thương mại sản phẩm thực phẩm sạch không hề đơn giản và màu hồng như nhiều người vẫn nghĩ đâu ạ.
Hy vọng thời điểm hiện tại và những năm tiếp theo sẽ là thời điểm tốt cho nhận thức của người tiêu dùng, nhận thức của nhà sản xuất, nhà bán lẻ, giúp cho thị trường có nhiều sản phẩm thực phẩm sạch hơn và các bên dễ dàng tìm thấy nhau hơn.

Tác giả: Phan Anh

Xem thêm các bài viết khác TẠI ĐÂY!


Bài viết liên quan