Vì sao người “siêu giàu” vẫn phải tìm đến “tín dụng đen” Tân Hiệp Phát?

Vì sao người “siêu giàu” vẫn phải tìm đến “tín dụng đen” Tân Hiệp Phát?

(PLVN) – Trong vụ án Bộ Công an vừa khởi tố để điều tra việc hai con gái nhà Tân Hiệp Phát (THP) bị tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không chỉ dư luận mà đến các điều tra viên cũng từng băn khoăn: Vì sao các nạn nhân là những người giàu, thậm chí có thể gọi là “siêu giàu”, có khối tài sản cực lớn… nhưng vẫn phải tìm đến “tín dụng đen” THP?
 Bà Oanh bật khóc khi khai về nguyên nhân phải tìm đến “tín dụng đen”.

Khối tài sản ngàn tỷ chưa đủ điều kiện vay ngân hàng

Câu hỏi trước tiên: Cty Kim Oanh tố cáo sở hữu dự án Minh Thành giá trị hàng ngàn tỷ, sao không thế chấp ngân hàng, lại mang “cầm cố” vay 350 tỷ của THP?

Theo điều tra, cuối 2017, trước khi vợ chồng ông Phạm Hoàng Minh (SN 1946) và bà Hồ Thị Diễm Trang (SN 1970, cùng HKTT 8A, Phan Bội Châu, phường 2, quận Bình Thạnh, TP HCM) bán toàn bộ cổ phần Cty CP BĐS Minh Thành Đồng Nai (thực chất là bán dự án Minh Thành) cho Kim Oanh, thì dự án này đã “sa lầy” nhiều năm, là một thất bại kinh doanh của ông Minh bà Trang.

Dự án này manh nha từ những năm 2010. Tháng 10/2012 UBND Đồng Nai có thông báo 7542/TB-UBND thu hồi đất giao Cty Minh Thành thực hiện dự án. Hai năm sau, Đồng Nai gia hạn hiệu lực văn bản thỏa thuận địa điểm dự án. Đầu 2015, Đồng Nai ra Quyết định 281/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Phải đến tháng 9/2017, Trung tâm phát triển quỹ đất mới bàn giao 31 ha đất (trên tổng số 56 ha) cho ông Minh bà Trang. Các “sổ đỏ” cũ, theo quy định, phải giao cơ quan Nhà nước, chờ hoàn tất các thủ tục pháp lý mới ra sổ mới cho Cty Minh Thành.

Đầu 2017, trước khi được giới thiệu gặp Kim Oanh, vợ chồng ông Minh bà Trang đang “ngắc ngoải” vì dự án Minh Thành. Khoản nợ vay ngân hàng trước đó nhiều năm để lấy tiền đầu tư vào dự án đã chuyển sang nợ xấu. Dự án đang trong tình cảnh “lui không được, tiến cũng không xong” vì tổng số quy hoạch 56 ha nhưng mới GPMB xong 31 ha, còn lại là đất “da beo” muốn lấy phải đền bù cho dân, tiền đâu?

Chưa hết, ở thời điểm này, theo quy định mới, dự án dạng như Minh Thành phải có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng. Còn nữa, dù nằm ngay sát cao tốc Long Thành – Dầu Giây, nhưng chưa có kế hoạch làm đường dẫn lên cao tốc hay các tỉnh lộ gần đó, nên vẫn là khu đất “hóc bà Tó”. Ông Minh bà Trang quyết định rao bán dự án, hứa với môi giới “nếu tìm được khách mua, sẽ thưởng 20 tỷ” (Theo người môi giới, sau này vợ chồng ông Minh đã “nuốt lời” hứa thưởng – NV).

Kim Oanh khai: “Thông qua môi giới, tôi được dẫn đến gặp ông Minh bà Trang. Ban đầu thấy họ tỏ vẻ hiền lành thật thà thân tình nên tôi quý mến. Cùng với việc thích khu đất có nhiều mặt sông, giáp TP HCM, dự đoán sau này sẽ rất phát triển, lên tôi quyết định “xuống tiền””.

Theo thỏa thuận hai bên, Kim Oanh mua dự án với giá 530 tỷ. Vì dự án chưa “sạch nước cản pháp lý”, nên thống nhất trả tiền theo từng giai đoạn, bên bán có được đất sạch tới đâu, Kim Oanh trả tiền tới đó. Tới 2019, Kim Oanh đã trả nửa tiền (265 tỷ). Sau đó vợ chồng ông Minh thúc giục quyết liệt, đòi trả tiếp 115 tỷ để hoàn tất phần đất 43/56 ha. “Sau khi ông Minh bà Trang nhận 115 tỷ chúng tôi trả do THP chuyển giúp, họ mới trả hết nợ ngân hàng, còn dư tiền đi đầu tư hàng loạt đất đai Phan Thiết”, Kim Oanh khai.

Kim Oanh khẳng định: “Đến thời điểm chúng tôi cầm cố dự án để vay tiền THP, sổ đỏ cũ dự án cơ quan Nhà nước đã thu, sổ mới chưa được cấp, diện tích chưa đủ 56 ha… nên dự án chưa đủ điều kiện làm tài sản thế chấp để vay tiền ở bất cứ Ngân hàng nào. Muốn có tiền ngay, chỉ có cách bán Cty Minh Thành. Nhưng tâm huyết với các dự án bất động sản, nên thời điểm đó có tập đoàn BĐS lớn tại TP HCM trả giá 1300 tỷ, tôi cũng trả lời quyết không bán, để dự án lại đầu tư”.

Chữ ký hai con gái nhà THP trong hợp đồng bị tố là giả cách 

Quãng thời gian bị cắt đứt mọi nguồn tiền

Một câu hỏi khác đặt ra với Kim Oanh: Số tiền 115 tỷ để trả vợ chồng Minh – Trang không lớn so với số tài sản tập đoàn Kim Oanh sở hữu, vậy sao không “xoay” nổi, phải tìm đến “tín dụng đen”?

Theo nhận xét của giới chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và BĐS cũng như nhiều người thân quen của Kim Oanh, cuối 2019 là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử Tập đoàn Kim Oanh, khi liên tiếp vướng những khiếu tố thiếu căn cứ, bị cạnh tranh không lành mạnh, bị chặn đứng dòng tiền. “Cảm giác đó là thời điểm “ma quỷ” đeo đuổi quấy phá Kim Oanh”, một người quen cho biết.

Thời điểm đó, sau khi mua trúng đấu giá dự án Hòa Lân, đã đổ vào đây hơn 1600 tỷ, Kim Oanh bất ngờ bị đâm đơn cho rằng “đấu giá sai quy định” (Thanh tra Bộ Tư pháp và TAND sau này đã khẳng định cuộc đấu giá đúng luật – NV); dự án Mỹ Phước 4 – khu B bị tố “xẻ thịt đất công” (tố cáo này đã được Bộ Công an kết luận là không có căn cứ – NV); dự án 43 ha tại TP Mới Bình Dương phải tạm ngưng để xác minh các “đời chủ trước”, dù Bộ TN&MT đã có văn bản xác nhận Kim Oanh nhận chuyển nhượng đúng luật…  Các dự án này đều tạm thời bị “phong tỏa”, nhiều ngàn tỷ tiền vốn của Kim Oanh đã bị “chôn” ở đây.

Chuyện đời “cái sảy nảy cái ung”, những khiếu tố vô căn cứ còn kéo theo vô vàn hậu họa khác. Để xác minh điều tra khiếu tố, một số CQĐT phải ra văn bản gửi ngân hàng, khiến các tổ chức tín dụng cũng ngần ngại. Theo một lá đơn của Kim Oanh gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trình bày: Sau khi nhận được văn bản của CQĐT yêu cầu sao kê chi tiết tài khoản các Cty thành viên Tập đoàn Kim Oanh từ khi mở tài khoản đến nay để “điều tra xác minh vụ án”, Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank) – Chi nhánh Bình Dương dù là đối tác thân thiết 10 năm, nhưng sau đó đã có công văn thu hồi nợ trước hạn, khiến Kim Oanh bù đầu xoay xở tìm nguồn tiền trả khoản nợ chưa được lập kế hoạch.

Tương tự, sau khi nhận được công văn yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ công tác điều tra, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – CN Đông Bình Dương (Vietcombank), lập tức có cuộc làm việc với Kim Oanh, đánh giá hành động của CQĐT là “gây bất lợi đến khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính” nên đề nghị Kim Oanh thu xếp tài chính để tất toán toàn bộ các khoản vay.

Chưa hết, những thông tin tiêu cực này lập tức đến tai các nhà đầu tư, và không ít người ồ ạt rút vốn. Hàng loạt khách hàng đòi hủy hợp đồng mua bán bất động sản đã ký, khách hàng tương lai lập tức quay lưng… Kim Oanh rơi vào tình thế “thập diện mai phục”, cô độc giữa thương trường, tình trạng tài chính “chỉ có tiền ra mà không có tiền vào”, không thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thống, dù có quỹ đất nhiều trăm ha.

Những vấn đề trên đã được kêu cứu tới TW. Văn phòng Chính phủ sau đó có công văn 5386/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về đơn của Kim Oanh. Những khó khăn, hiểu nhầm về Kim Oanh dần rồi đã được cơ quan TW và địa phương giải quyết, gỡ vướng. Nhưng ở thời điểm phải tìm đến “tín dụng đen” THP, thực sự Kim Oanh đang rơi vào tình cảnh oái oăm có khối tài sản tỷ đô mà khó xoay nổi món tiền tỷ VNĐ.

Văn bản của Bộ Công an đề nghị cơ quan chức năng cung cấp các hợp đồng công chứng liên quan ông Thanh, bà Phương, bà Bích, “cò” Nguyễn Phi Long, “cò” Nguyễn Hoàng Phú… từ 1/1/2018 đến nay 

Kế hoạch “giậu đổ bìm leo” của THP?

“Ở thời điểm cho Kim Oanh vay 350 tỷ, THP có thể chưa có ý định chiếm đoạt tài sản cầm cố, mới chỉ muốn cho vay kiểu “nắm đằng chuôi”, nên bắt Kim Oanh phải giả cách cho vợ chồng Minh – Trang đứng tên 50% cổ phần Cty Minh Thành; sau đó tiếp tục bắt Kim Oanh lần nữa giả cách cùng vợ chồng Minh – Trang bán 100% cổ phần Cty Minh Thành cho THP”, lời khai Kim Oanh.

“Đến thời hạn trả nợ, chuộc lại tài sản, cũng trùng thời điểm Kim Oanh bị khiếu tố vô căn cứ trong một số sự việc khác, vướng đồn đoán “sắp bị bắt, sắp đi tù”; nên THP và vợ chồng Minh – Trang mới nhân cơ hội này “giậu đổ bìm leo”, “biến giả thành thật”, không trả lại tài sản cho Kim Oanh”, Kim Oanh cho biết.

Những tháng năm dẫn dắt tập đoàn địa ốc phát triển “nóng” bậc nhất thị trường bất động sản là những tháng năm phải đối mặt với biết bao khốn khó trở ngại, chịu đựng biết bao “chiêu trò” cạnh tranh không lành mạnh… nên cực nhục nào cũng đã từng trải qua, nhưng cú quỳ lạy van xin dưới chân con gái nhà THP mà PV PLVN ghi lại được vào chiều 28/10/2020 tại trụ sở THP để lại cho bà Oanh những day dứt tâm tư nhất.

Bà Oanh vừa gạt nước mắt, vừa quỳ xuống van xin bà Trần Uyên Phương trả lại tài sản cầm cố (Hình cắt từ clip do PV PLVN ghi nhận chiều 28/10/2020 tại trụ sở THP) 

Trong một cuộc gặp mặt với báo chí sau khi đã đâm đơn tố cáo sự việc, bà Oanh vẫn khóc ròng: “Nhân đây tôi xin lỗi anh Thanh (Trần Quý Thanh – NV), tập đoàn THP, Bích và Phương (Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương – NV) vì cái này (ý nói việc tố cáo THP – NV) tôi không mong muốn, nhưng tôi đã sai lầm vì quá tin tưởng. Mong rằng các anh chị xem lại đã làm những gì để đưa tôi vào đường này? Tôi xuống bao nhiêu lần các anh chị không gặp, không trả tài sản cầm cố, thấy tôi khóc còn phạt 50 tỷ, phải đi vay nóng chỗ khác để trả phạt…”.

“Cá nhân tôi đã quỳ lạy để mong các anh chị lay động nhân tâm mà không được; nhưng chẳng lẽ mồ hôi nước mắt, tiền bạc của khách hàng, nhà đầu tư, CBNV Kim Oanh… lại dễ dàng bị chiếm đoạt trắng trợn vậy sao?”.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo sau.
Nguồn báo Pháp luật Việt Nam: đã bị xóa bài.
Có thể sử dụng Google Catched để tìm và đọc lại nhé.


Bài viết liên quan