Chiến lược marketing online

Trước khi trả lời cho câu hỏi “chiến lược Marketing Online ” là gì thì chúng ta sẽ cần làm quen với khái niệm “chiến lược”, “chiến lược Marketing” là gì

Nhiều tài liệu nghiên cứu và quan điểm quản trị cho rằng chiến lược trong kinh doanh, Marketing, bán hàng… ngày nay là khái niệm bắt nguồn từ hoạt động chiến tranh trong quá khứ (và cũng áp dụng trong chiến tranh hiện đại). Thuật ngữ chiến lược được dần dần sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực quản trị, kinh doanh, kinh tế, Marketing… Nhiệm vụ cơ bản của một nhà quản trị, người lãnh đạo, người làm kinh doanh (hay một vị tướng quân, lãnh đạo trong quân đội) là phải ra các quyết định, sách lược để điều hành tổ chức của mình đi đến chiến thắng. Các quyết định được đưa ra có thể có tác dụng ngay lập tức (trong ngắn hạn) hoặc phải dần dà trong dài hạn (một vài tháng cho đến một vài năm thậm chí lâu hơn nữa). Các quyết định này có thể đúng, cũng có thể sai, đúng hay sai đôi khi cũng rất khó khẳng định hay kết luận được. Tôi vẫn thường nói với các học viên, khách hàng rằng, đúng hay sai là do thị trường trả lời, nếu quyết định của nhà quản trị đưa ra là đúng thì kết quả sẽ có xu hướng tích cực, có hiệu quả tốt cho doanh nghiệp và ngược lại.

Các quyết định hay phương án đưa ra cũng tuân theo định luật “điều gì cũng có có hai mặt của nó”. Một chiến lược gia hay nhà quản trị có tầm nhìn và có chiến lược rõ ràng sẽ dựa trên những phân tích về bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội nói chung, nguồn lực thực tế của mình, nguồn lực của đối thủ, đối tác… để đưa ra một phương án phù hợp nhất và tạo hiệu quả tốt nhất cho mình

Chiến lược hay kế hoạch?

Theo một thống kê và đánh giá của một tổ chức trong khu vực Đông Nam Á có đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam rất yếu về chiến lược Marketing, xếp hạng 10/10 quốc gia Đông Nam Á. Chúng ta thường nhầm lẫn một bản chiến lược và một bản kế hoạch gần gần giống nhau. Chiến lược thường được hiểu là một kế hoạch mang tính dài hạn, thường là 5 năm trở lên. Hầu hết (không phải là tất cả) cái gọi là “chiến lược kinh doanh” của các doanh nghiệp hiện nay chỉ là một bản kế hoạch kinh doanh.

Sự khác biệt mang tính “chiến lược” giữa chiến lược và kế hoạch có thể được hiểu là: Bản kế hoạch sẽ trả lời câu hỏi “chúng ta làm gì?”, trong khi chiến lược trả lời câu hỏi “chúng ta ưu tiên làm việc gì?” trong dài hạn.

Các doanh nghiệp thường quan tâm tới các chiến lược nhỏ hơn trong bản chiến lược tổng thể nếu xét theo mô hình Marketing Mix. Như chiến lược sản phẩm, chiến lược giá, chiến lược kênh phân phối, chiến lược xúc tiến bán, chiến lược nhân sự, chiến lược tài chính… Chi tiết hơn nữa có thể có chiến lược bán hàng, chiến lược tiếp cận thị trường, chiến lược quảng cáo…

Chiến lược về sản phẩm

Sự cạnh tranh trong kinh doanh luôn hiện hữu ở tất cả các ngành, và hiện nay chúng ta đang phải đối với mặt với vấn đề cạnh tranh rất lớn theo chiều ngang, cạnh tranh theo chiều dọc của tất cả các các thị trường. Bất kỳ một sản phẩm gì, bất kỳ một dịch vụ gì cũng có số lượng lớn các nhà cung cấp và người bán hàng thay vì chỉ có một hoặc một số hãng. Vì vậy để tồn tại được hoặc để phát triển được, các công ty phải đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ của mình luôn đạt các tiêu chuẩn tốt nhất, chính sách tốt nhất, hấp dẫn nhất, đột phá nhất, với người tiêu dùng (khách hàng) tốt hơn các sản phẩm và dịch vụ có sẵn của đối thủ cạnh tranh khác trong thị trường. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn trong việc thường xuyên cải tiến và sản xuất các sản phẩm ngày một chất lượng, mới mẻ hơn những sản phẩm có sẵn khác để thuyết phục người tiêu dùng mua chúng. Chiến lược sản phẩm thì có rất nhiều những chiến lược cụ thể như chiến lược đổi mới sản phẩm, chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, chiến lược tiêu chuẩn hóa sản phẩm v.v… Ví dụ như hãng Samsung thì theo đuổi chiến lược đa dạng hóa sản phẩm đối với dòng sản phẩm điện thoại di động của mình, nhưng hãng Apple thì lại theo đuổi chiến lược tiêu chuẩn hóa sản phẩm cho nên cho ra đời nhiều phiên bản chỉ khác nhau về màu sắc và dung lượng thay vì khác nhau về kiểu dáng. Tất nhiên là cả hai hãng đều liên lục đổi mới cũng như nâng cấp sản phẩm.

Chiến lược vận hành

Chiến lược này bao gồm các hoạt động tổng thể chính của doanh nghiệp. Mục tiêu hàng đầu là đưa ra một kế hoạch cho phép doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận trong khi giảm thiểu chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Chiến lược đó bao hàm cả việc thuê ngoài một số hoạt động vận hành trong doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí phải trả thêm cho đội ngũ nhân lực, hay việc di chuyển cửa hàng trưng bày sản phẩm đến gần hơn với các khách hàng tiềm năng nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển, chọn môi trường làm việc với chi phí hợp lý hơn hoặc là sự kết hợp của hai hay nhiều hơn trong số các giải pháp này.

Chiến lược vận hành hay giải pháp để thực thi công việc trong doanh nghiệp là rất quan trọng, nó cũng góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cho sự thành công trong dài hạn của doanh nghiệp. Ví dụ như việc xây dựng các tòa chung cư để bán không quá khó với các công ty xây dựng. Nhưng việc vận hành cho một tòa chung cư đó hoạt động tốt để các khách hàng là các cư dân ở tòa chung cư, khu đô thị đó cảm thấy hài lòng hay chấp nhận được thì không phải công ty xây dựng hay đầu tư bất động sản nào ở Việt Nam cũng làm được hoặc có thể làm tốt được

Chiến lược giá

Chiến lược này nói về các mức giá khác nhau mà bạn có thể đặt ra để bán sản phẩm khiến chúng trở thành sản phẩm nổi bật được ưa chuộng hàng đầu trong ngành của bạn. Điều quan trọng cần lưu ý là điều này không nhất thiết là bạn phải bán sản phẩm ở mức giá thấp nhất so với giá thị trường giống như nhiều doanh nghiệp đang làm.

Có những doanh nghiệp sử dụng chiến lược giá trong việc đẩy giá sản phẩm lên khá cao để thuyết phục người mua rằng các sản phẩm của họ là sản phẩm có chất lượng. Một chiến lược định giá khác được sử dụng trong việc cung cấp dịch vụ như việc cho phép thành viên có thể trả tiền sau một khoảng thời gian mua hàng thay vì phải thanh toán một lần cho từng sản phẩm.

Nói về chiến lược giá thì có rất nhiều các chiêu thức khác nhau, các cách định giá khác nhau, từ việc định giá thấp, đến việc cho dùng thử miễn phí, các cách bán hàng giảm giá, cách định giá khi mới xâm nhập, cách định giá khi sản phẩm đã bão hòa, cách định giá của doanh nghiệp lớn, cách định giá của doanh nghiệp nhỏ v.v…

Chiến lược tài chính

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, mỗi đơn vị kinh doanh như doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều phải quan tâm đến tình hình tài chính của mình để thực hiện tái đầu tư, đảm bảo khả năng duy trì và phát triển lâu dài của doanh nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể thực hiện các chiến lược cạnh tranh, bên cạnh nguồn vốn tự có, mỗi đơn vị kinh doanh cũng có thể phải sử dụng các phương pháp huy động vốn bằng các hình thức khác nhau như vốn vay ngân hàng, góp vốn từ các nhà đầu tư, phát hành cổ phần cổ phiếu v.v…Với nhiệm vụ này, bộ phận tài chính cần có các chiến lược phù hợp để hỗ trợ việc thực hiện các chiến lược cấp đơn vị kinh doanh hữu hiệu. Vì tài chính (hay tiền) chính là mạch máu của cơ thể doanh nghiệp nếu nói một cách ví von hình ảnh. Tài chính mà yếu hoặc thiếu hoặc đi vay quá nhiều cũng có thể làm cho doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao hoặc phá sản, kể cả những tập đoàn lớn.

– Chiến lược tập trung chi phí thấp hoặc dẫn đầu chi phí thấp, bộ phận tài chính cần theo đuổi chiến lược giảm thấp các chi phí về tài chính

– Tận dụng các nguồn vốn có sẵn hoặc vốn nội bộ chi phí thấp.

– Nếu cần phải vay vốn từ bên ngoài, bộ phận tài chính nghiên cứu thị trường vốn để có thể vay trong thời gian có lãi suất thấp tương đối.

– Đầu tư vốn tập trung vào các nhà máy, thiết bị, công nghệ nghiên cứu và phát triển có khả năng giảm chi phí ngày càng thấp hơn so với mức hiện tại.

– Tranh thủ các cơ hội mua thiết bị, nguyên vật liệu với giá rẻ từ những nhà cung cấp nước ngoài trong các tình huống như: Các nhà cung cấp giảm giá vì khủng hoảng kinh tế, biến động của tỉ suất hối đoái giữa tiền tệ trong nước với tiền tệ nước ngoài có lợi cho các doanh nghiệp trong nước…

– Chiến lược tập trung tạo sự khác biệt hay chiến lược tạo sự khác biệt trên thị trường quy mô nhỏ, bộ phận tài chính cần theo đuổi chiến lược tập trung vốn đầu tư để nâng cao chất lượng, cải tiến hoặc đổi mới sản phẩm, hướng các nỗ lực của hoạt động tài chính nhằm gia tăng các lợi ích của các yếu tố đầu ra hiện tại và tương lai, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài trên thị trường.

– Chiến lược tập trung chi phí thấp/tạo sự khác biệt, bộ phận tài chính sử dụng kết hợp các chiến lược trên để vừa giảm thấp chi phí, vừa thúc đẩy nâng cao chất lượng các yếu tố đầu ra. Như vậy, để hỗ trợ đơn vị kinh doanh thực hiện các chiến lược kết hợp, chiến lược tài chính cần theo đuổi là giảm thấp chi phí vốn đầu tư và tập trung vốn để gia tăng tạo sự khác biệt các yếu tố đầu tư và tập trung vốn để gia tăng tạo sự khác biệt các yếu tố đầu ra cùng một lúc. Trong tình huống này, các nhà quản trị tài chính phải xem xét cả hai ưu tiên chi phí thấp và nâng cao chất lượng trong các quyết định tài chính của mình

Chiến lược Marketing

Chiến lược Marketing được chia thành chiến lược Marketing truyền thống và chiến lược Marketing Online nếu xét theo tiêu chí phân loại là truyền thống và điện tử. Khái niệm “truyền thống” ở đây có thể hiểu là các hình thức Marketing không trực tuyến, không điện tử, không công nghệ Internet hoặc là hàm chứa hàm lượng “điện tử hóa” thấp

Trong chương này, chúng ta tập trung xem xét đến chiến lược Marketing Online và Marketing Online 4.0.

Với rất nhiều nội dung đã được đề cập đến trong các phần nội dung trước đó, làm đường dẫn và thông tin nền tảng thì chúng ta có thể hiểu rằng chiến lược Marketing Online là tập hợp những lựa chọn ưu tiên mà doanh nghiệp cần phải làm trong ngắn hạn và trong dài hạn mà doanh nghiệp muốn thực hiện để đạt mục tiêu Online đã đề ra.

Để làm được chiến lược Marketing Online chúng ta cũng cần trả lời cho câu hỏi: Thông điệp truyền thông là gì? Định dạng media truyền thông chủ đạo là gì? Kênh truyền thông Online chủ đạo là gì? Các mục tiêu cụ thể đạt được theo thời gian, theo chi phí là gì? Ai sẽ là người làm (thuê ngoài hay tự sản xuất)? v.v…

Marketing Online 4.0:

Thực tế đây là thuật ngữ mỹ miều theo kiểu xu hướng thời thượng (hot-trending), về mặt bản chất Marketing Online 4.0 dựa trên nền tảng Marketing Online, bao gồm các công cụ và nền tảng Marketing Online, tư duy chiến lược, kỹ thuật và thủ thuật Marketing Online. Đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố 4.0 là yếu tố nền cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những sự thay đổi theo hướng công nghệ hóa, Internet hóa, thông minh hóa, tự động hóa. Như vậy làm Marketing Online 4.0 là tập trung vào các công cụ và nền tảng trực tuyến, dựa vào các yếu tố khoa học công nghệ để phát triển các hoạt động Marketing Online cho doanh nghiệp và công việc kinh doanh của mình, nhằm tối ưu hóa mọi khâu, mọi bước, mọi quy trình trong quá trình kinh doanh, bán hàng, phục vụ khách hàng của doanh nghiệp.

Nguyễn Phan Anh PA Marketing

LH: 0889 255678 – 0906 950333

Fanpage:  http://www.fb.com/phananhonline

Website:  http://www.pamarketing.vn


Bài viết liên quan