Chiến lược Phản công truyền thông

Chiến lược phản công truyền thông

Chiến lược Phản công truyền thông là gì?
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ về số lượng người dùng và có tính tương tác, lan truyền cực cao của mạng Internet nói chung và các công cụ mạng xã hội đã giúp cho doanh nghiệp và người bán hàng có cơ hội quảng cáo và truyền thông về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp mình một cách dễ dàng, khả năng tiếp cận cao, các chiến lược marketing truyền thông mang tính sáng tạo được khuyến khích. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, thậm chí là các doanh nghiệp hoặc cá nhân cũng có thể dễ dàng tung ra các tin đồn thất thiệt hoặc chiêu bài đầy toan tính như chiến lược truyền thông “dìm hàng đối thủ”, “đe dọa khách hàng” để trục lợi và thao túng thị trường diễn ra không ít và chiến lược này có tác động mạnh mẽ đến lợi ích của các bên trên thị trường.

Các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về marketing truyền thông đã từng đưa ra quan điểm marketing truyền thông và cho rằng, nếu bạn thực sự xuất sắc, bạn phải làm được chiến lược này: hoặc kinh doanh “lòng tin đạt đến tín ngưỡng” hoặc kinh doanh “nỗi sợ hãi” và cuối cùng mới đến là “tình yêu” của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu.
Tại Việt Nam, có lẽ việc sử dụng chiến lược kinh doanh nỗi sợ hãi, đe dọa khách hàng, dìm hàng đối thủ có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển, vì “chất liệu truyền thông” của chiến lược này rất dồi dào và sẵn có, hơn nữa lại phù hợp với tập quán và văn hóa tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần hết sức lưu tâm đến nội dung này, vì rất có thể, chính các doanh nghiệp sẽ là nạn nhân của những “tin đồn thất thiệt” và bị ảnh hưởng tiêu cực hoặc thiệt hại nghiêm trọng về kinh doanh.
Trong mấy ngày gần đây, có thể thấy một vụ việc đang được báo chí và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đó là thông tin “nước mắm truyền thống có chứa chất asen” làm cho người tiêu dùng bị hoang mang, sợ hãi; đồng thời làm cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể đang kinh doanh và sản xuất nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, chất lượng, thương hiệu và doanh thu. Rất nhiều chủ doanh nghiệp bức xúc, lo lắng, sợ hãi vì doanh nghiệp của mình có thể bị lâm vào tình trạng phá sản bất cứ lúc nào vì những tin đồn thất thiệt, thông tin không chính xác, công bố thông tin mang tính lợi ích nhóm ..v.v.. Khi được báo chí phỏng vấn hoặc hỏi ý kiến họ chỉ biết lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì những sự việc như vậy và chỉ mong chờ những cơ quan chức năng hoặc “phép màu” giúp họ.
Tuy nhiên, thực tế kinh doanh tại thị trường Việt Nam cho thấy, theo thống kê các doanh nghiệp Việt Nam nói chung rất yếu về trình độ và kỹ năng marketing so với các nước trong khu vực ASEAN. Hơn nữa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa về khả năng sản xuất, tài chính, kinh nghiệm quản lý, kiến thức về quản trị marketing, truyền thông. Vì vậy, tâm lý của họ thường có xu hướng là trông chờ thay vì hành động hoặc tự mình hành động để cứu mình và những đối tác, bạn hàng trong những tình huống như vậy.
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam rất cần thiết quan tâm và tìm hiểu chiến lược “phản công truyền thông” – tức là cần phải biết bảo vệ mình trong bối cảnh mình là người bị thiệt hại, hoặc là bị hại trực tiếp.
>>> Xem thêm: Chiến lựa chọn sản phẩm để bán hàng, quảng cáo trên Facebook

Cụ thể, doanh nghiệp có thể thực hiện các chiến thuật Phản công truyền thông như sau:

1.Tổ chức họp báo đính chính thông tin

Doanh nghiệp có thể tự mình hoặc liên kết một nhóm các doanh nghiệp bị thiệt hại có quyền và lợi ích liên quan tổ chức họp báo chính thức để đính chính, công bố thông tin chính thức và kết hợp với các cơ quan truyền thông báo chí uy tín. Việc tổ chức họp báo có thể kết hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan chính quyền, cơ quan chuyên môn để đưa thông tin thêm chất lượng và tạo sự thu hút cho cộng đồng.

2.Sử dụng dịch vụ của bên thứ ba

Nếu tin đồn, thông tin sai lệch, thông tin không đúng với sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng xấu, tiêu cực tới uy tín, thương hiệu và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình thì doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ kiểm định chất lượng, các dịch vụ sửa chữa, khắc phục của các bên thứ ba uy tín để kiểm nghiệm, công bố thông tin một cách chính xác và kịp thời. Ví dụ như doanh nghiệp nước mắm truyền thống có thể đem sản phẩm của mình tới các cơ quan kiểm định chất lượng uy tín, các phòng thí nghiệm uy tin trong nước và quốc tế, nếu có điều kiện thì làm kiểm định tại các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm tại nước ngoài để tăng tính thuyết phục cho người tiêu dùng và nâng cao hơn nữa uy tín thương hiệu. Các bên thứ ba phải phù hợp với sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đang bị “tổn hại do tin đồn, tin sai lệch”.

3.Sử dụng truyền thông đại chúng

Một trong những nguyên tắc quan trọng của truyền thông xã hội trong thời đại Internet đó là phải kịp thời, phản ứng nhanh, phản ứng mạnh mẽ, kịp thời, nghiêm túc và chính xác.
Doanh nghiệp phải hiểu rằng việc tự bảo vệ mình và phản công truyền thông là quan trọng trong những tình huống nhậy cảm như thế này, và từ đó để tấn công ngược lại, nâng cao vị thế thương hiệu của chính mình. Doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng các công cụ truyền thông đại chúng, chính thống, kết hợp với phương thức truyền thông xã hội trên các mạng xã hội, website tin tức, người nổi tiếng vào công cuộc truyền thông mang tính “phản công” lại. Sử dụng các phương tiện truyền thông và công bố bằng các loại hình media giàu thông điệp, nội dung mạnh mẽ, chân thực theo các chủ đề: công bố thông tin, đính chính nội dung, họp báo, người nổi tiếng nói về vụ việc, quy trình làm việc tại các cơ quan có thẩm quyền v.v… để thuyết phục khách hàng, phản công lại những thông tin sai lệch.

4.Chiến lược “lội ngược dòng”

Không chỉ dừng lại ở việc đính chính thông tin, công bố thông tin rằng “chúng tôi không như lời đồn”, “chúng tôi là nạn nhân”, doanh nghiệp có thể áp dụng chiến lược “lội ngược dòng” nhân sự việc lùm xùm như thế này doanh nghiệp có thể truyền thông mạnh mẽ hơn nữa, phản công mạnh hơn mức “bảo vệ”, mà chuyển sang mức “tấn công” để giành giật thị phần, nâng cao nhận thức thương hiệu, thúc đẩy doanh số bán hàng.
Doanh nghiệp bị thiệt hại trong trường hợp này hoặc các doanh nghiệp khác có thể áp dụng chính chiêu thức của đối thủ đã áp dụng để “gậy ông đập lưng ông”.
Ví dụ như: Ngay sau khi có công bố thông tin nước mắm chứa chất asen – một loại chất cực độc, ngay lập tức có thông hoạt động quảng cáo, truyền thông của một doanh nghiệp đầu ngành về nước mắm công nghiệp đóng chai tuyên bố rằng “nước mắm của chúng tôi không chứa asen”. Vậy các doanh nghiệp nước mắm truyền thống hoàn toàn có thể đưa ra các quảng cáo và thông điệp truyền thông tốt hơn như thế, và hơn nữa; hoặc có thể tiến hành các cuộc kiểm nghiệm chất lượng độc lập và so sánh chất lượng giữa sản phẩm nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống, chắc chắn sẽ có nhiều phản ứng có lợi đối với những doanh nghiệp nước mắm truyền thống mà vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm, thực sự bị “dìm hàng” trong trường hợp này.
Để kết luận bài phân tích này, tôi xin đưa ra một câu chuyện để các doanh nghiệp suy ngẫm.
Trước đây, khi còn trẻ, mới vào nghề kinh doanh và làm marketing, tôi thực sự thích và muốn học hỏi chiến lược được coi là “dìm hàng đối thủ, đe dọa khách hàng” như một doanh nghiệp sản xuất nước mắm, nước tương đã làm và rất thành công.
Tôi cũng có may mắn được mời tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp, bán hàng trực tuyến, có cả các trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể tôi từng tư vấn cho một khách hàng là doanh nghiệp mỹ phẩm họ có thể cân nhắc áp dụng chiến lược tương tự: “dìm hàng đối thủ, đe dọa khách hàng” dựa trên những vấn nạn mỹ phẩm giả, mỹ phẩm tự chế, mỹ phẩm kém chất lượng để nâng cao nhận thức người tiêu dùng và đồng thời có lợi cho khách hàng của mình. Nhưng điều khiến tôi phải suy nghĩ, học hỏi và thay đổi quan điểm là khách hàng của tôi đã từ chối và không chấp nhận áp dụng chiến lược này, vì doanh nghiệp cho rằng như thế sẽ gây ra xáo trộn thị trường và có thể sẽ vi phạm đạo đức kinh doanh!.

 Tác giả: Phan Anh

Tìm hiểu thêm các kiến thức hữu ích trong Marketing Online tại PA Marketing.


Bài viết liên quan