Làm nội dung khi ” không biết viết , thử rồi nhưng không hay ” ?

Câu chuyện thực tế

Thường thì các bạn nhân viên tại công ty tôi hay trả lời tôi như thế này mỗi khi tôi yêu cầu viết nội dung cho website, Fanpage, Facebook cá nhân của tôi và của công ty: “Bọn em không biết viết; bọn em không thể viết hay được như anh; em đã thử rồi nhưng không hay; em không làm được việc này…”.

Và cho đến tận bây giờ vẫn luôn có nhữngnhân viên nói như vậy. Và tôi cũng biết rằng nhiều nhân viên công ty khác cũng vậy tức là cũng gặp phải tình huống“em không biết, em không thể…”. Chuyện này hết sức bình thường và phổ biến.

NẾU BẠN LÀ SẾP BẠN SẼ LÀM GÌ? NẾU BẠN LÀ NHÂN VIÊN BẠN SẼ LÀM GÌ?

Tôi cho rằng, việc nhân viên nói rằng họ không làm được, không biết làm hoặc không thể làm tốt được có một phần lý do là bản thân họ kém về khả năng sáng tạo nội dung, kỹ năng viết lách còn yếu và thiếu, chưa có sự tự tin vào bản thân, hay nói như các cụ vẫn dạy là “văn dốt võ dát”. Lý do này cũng hợp lý, không sai. Tuy nhiên, lý do thực sự lại nằm ở việc“thiếu tự tin vào bản thân”, “thiếu sự học hỏi”, “có phần lười biếng”.

Vì không ai giỏi ngay được, cũng không ai giỏi hết mọi thứ được, muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học, muốn thạo phải làm. Cứ“tôi không biết, tôi không làm”thì tức là không thể làm, không phải làm, không làm, không bao giờ làm, thì khi nào sẽ khá hơn được, giỏi hơn được, làm tốt hơn được? Chính vì vậy, đúng ra khi chúng ta không biết, chúng ta càng phải làm nhiều hơn để tiến bộ nhanh hơn, học hỏi từ những điều sai lầm, rút ra kinh nghiệm dần dần.Bài viết ban đầu có thể ngắn, nội dung lủng củng, chưa có ý tứ, câu văn chưa hay thì chúng ta nhìn nhận vào thẳng vấn đề và tiếp tục viết lại, viết tiếp; hình ảnh có thể chưa đẹp thì chúng ta phải học hỏi và chỉnh sửa.

Chúng ta học hỏi bằng cách đọc sách nhiều, đọc báo nhiều, đọc các bài viết quảng cáo thật nhiều. Mỗi khi đọc ta ghi nhớ lại trong đầu, trong mắt và cả trong máy tính nữa (save as) những bố cục, những kiểu nội dung, cách hành văn, cách dùng ngôn từ, cách sử dụng hình ảnh, bố cục, màu sắc. Hãy thật đểtâm và ghi nhớ thì dần dần ngôn từ của sách báo sẽ thành của chính bạn.

Tôi biết mọi việc không dễ dàng như thế, nói bao giờ cũng dễ hơn làm và tôi đồng cảm với các bạn. Nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng “khổ luyện thành tài”, đừng giới hạn năng lực của bản thân bằng câu nói “tôi không biết, tôi không thể, tôi không làm được, tôi không thể làm tốt”. Thái độ ham học hỏi, tự phát triển năng lực của bản thân, tích cực và chủ động với mọi điều bạn phải làm điều đó sẽ khiến bạn thành công hơn. Đó là cách mỗi chúng ta dù là sếp hay nhân viên đều có thể tiến bộ và học hỏi được điều gì đó.

Tôi muốn kết thúc câu chuyện thực tế này bằng một câu nói kinh điển của võ thuật gia nổi tiếng Lý Tiểu Long, ông nói: “Tôi không sợ một người có mười nghìn (10.000) cú đá, tôi chỉ sợ một người tập một cú đá mười nghìn (10.000) lần”.


Bài viết liên quan