Nghiên cứu và lựa chọn từ khóa

Nghiên cứu và lựa chọn từ khóa

– Nghiên cứu và lựa chọn từ khóa SEO là việc đầu tiên để bắt đầu làm SEO. Nghiên cứu và lựa chọn từ khóa SEO trả lời cho câu hỏi là bạn muốn SEO từ khóa nào? Bạn muốn SEO bao nhiêu từ trong cùng một thời điểm? Bạn SEO từ khóa ngắn hay từ khóa dài, từ khóa dễ hay từ khóa khó? Danh sách những từ khóa mà bạn sẽ SEO? Bạn muốn bao lâu thì từ khóa sẽ lên được top và top mấy?

– Việc lựa chọn từ khóa không quá khó. Vấn đề là bao nhiêu từ khóa, làm trong bao lâu? Điều này phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của từ khóa, và năng lực nội bộ của doanh nghiệp, của chủ shop hoặc người bán hàng Online đó. Ví dụ bạn hoặc doanh nghiệp của bạn có nhiều tiền đầu tư và bạn có tầm nhìn dài hạn, bạn có thể lên kế hoạch SEO cả vài nghìn từ khóa cùng một lúc, bạn có thể có đến 100-200 nhân viên quản trị Website và SEO bài trong công ty nhằm lên top nhiều từ khóa và tăng mức độ truy cập vào Website. Ví dụ như trang web bán lẻ trực tuyến của nhà bán lẻ điện thoại di động lớn nhất Việt Nam có cả những bài viết hướng dẫn cách thức chạy Facebook Ads! Chả sao cả. Người tìm kiếm cách thức chạy Facebook Ads, Google Ads có thể cũng cần đổi điện thoại chứ sao?

– Lựa chọn từ khóa bằng cách nào: Có nhiều công cụ để hỗ trợ việc tìm kiếm, lựa chọn và tạo danh sách từ khóa để làm SEO cho web, đây là một số công cụ cơ bản tác giả xin được giới thiệu với các anh chị.

  • Google Keyword Planner: Đây là công cụ mà có sẵn trong công cụ Google Adwords, các bạn chỉ cần mở tài khoản Adwords bằng Gmail đồng thời vào đó để tìm công cụ Google Keywords Planner sử dụng tìm từ khóa mà chúng ta muốn tìm hiểu và nghiên cứu.

Với công cụ này, bạn chỉ cần đánh từ khóa tìm kiếm vào ô “ý tưởng từ khóa” là Google Keywords Planner (Công cụ Lập kế hoạch từ khóa) sẽ gợi ý cho bạn rất nhiều các từ khóa khác nhau, kèm theo các thông tin về số lượng tìm kiếm hàng tháng. Từ khóa nào tìm kiếm càng nhiều thì càng hot, từ khóa nào ít tìm kiếm thì lượng cạnh tranh cũng không cao. Từ khóa càng hot thì việc làm SEO đồng nghĩa với cạnh tranh hơn và khó khăn hơn. Bạn chỉ cần xem và tải file đính kèm về máy tính, sau đó nghiên cứu lại, sàng lọc và chọn ra danh sách những từ khóa phù hợp với mục tiêu của Website mà doanh nghiệp, cá nhân đang muốn làm. Bạn nên chọn cho mình một danh sách từ khóa vừa đủ, gồm cả những từ khóa dễ (dài, ngách) và những từ khóa trung bình, từ khóa khó (ngắn, cạnh tranh cao) để làm SEO cùng một lúc. Từ khóa dễ có ưu điểm là dễ lên, thậm chí có thể lên rất nhanh, nhưng từ khóa khó và cạnh tranh cao thì có thể phải mất nhiều tháng hoặc hàng năm mới có thể lên được vì thế bạn cần phải lựa chọn “Mix” từ khóa để trong ngắn hạn có thể lên được một số từ khóa và tránh bị chán nản khi làm bài mãi mà không thấy lên. Danh sách từ khóa cũng phải bao gồm các câu hỏi khách hàng thường tìm kiếm, liên quan đến sản phẩm và thương hiệu của bạn. Bạn cũng cần phải nghiên cứu thêm về khách hàng mục tiêu, hành vi mua, cách thức mua hàng, thời gian mua hàng, nhân khẩu học của khách hàng để kết hợp lựa chọn từ khóa hợp lý, viết bài hợp lý và kích thích mua hàng.

  • Google Trends – Google Xu Hướng: Khám phá những từ khóa, nội dung mà mọi người đang tìm kiếm theo thời gian thực và hót hòn họt.

Công cụ này có thể cho bạn một số ý tưởng ăn theo để có thể tung ra các bài viết đậm chất tin tức theo thời gian thực và bắt được xu hướng tốt, giúp tăng lượng truy cập vào Website một cách đột biến.

  • Google Search Box: Gợi ý tìm từ khóa

Ô tìm kiếm của Google có tính năng gợi ý từ khóa chính xác những từ khóa mà người dùng thường xuyên sử dụng. Chúng ta có thể tìm kiếm và tạo danh sách từ ô tìm kiếm gợi ý từ khóa tìm kiếm này.

  • Google Analytics, Webmaster; Map Maker đều có thể cho gợi ý những từ khóa.

Chúng ta có thể cài công cụ miễn phí của Google khác nữa là Google Analytics (gọi là Google phân tích) và Google Webmaster để vào xem những từ khóa và những thông tin truy cập vào Website hàng tuần hàng tháng. Những thông tin do công cụ Google Analytics và Webmaster đem đến rất nhiều thông tin giá trị, có ý nghĩa cho nhà quản trị Website, người bán hàng, người làm SEO để cải thiện chất lượng cho Website. Bạn làm SEO hoặc bạn làm Sales hoặc bạn làm Sếp thì đều cần phải cài công cụ này (hoàn toàn miễn phí) lên Website của bạn để theo dõi thông tin nhé.

  • Keyword.io:

  • Keywordtool.io

  • SEOMoz Free: Bạn có thể sử dụng công cụ nổi tiếng về SEO của SEOMoz – một công ty chuyên cung cấp dịch vụ về SEO web trên thế giới. Họ có đầy đủ các công cụ, phần mềm, chương trình hỗ trợ một cách chuyên nghiệp về việc làm SEO trên Website. Bạn cũng có thể học hỏi được rất nhiều từ Website của MOZ đó. Lưu ý đây là SEOMoz quốc tế, SEOMoz chuẩn xịn nhé, chứ không phải tên nhái hay hàng nhái ở Việt Nam đâu.

  • Youtube Search: Công cụ tìm kiếm và gợi ý từ khóa của Youtube cho chúng ta thông tin thêm để có thể tạo bài viết, tạo video SEO bài.

Kết luận: Sau khi có Website thương mại điện tử chuẩn xịn rồi hoặc là Landingpage tối ưu trang đích rồi kết hợp với việc nghiên cứu một số công cụ nghiên cứu từ khóa cơ bản, bạn đã lập cho mình được danh sách các từ khóa cụ thể rồi chứ? Tôi hi vọng là bạn đã có một danh sách rất ổn trong tay rồi. Và đến bước này mọi thứ đang tiến triển tốt. Giờ chuẩn bị sang bước tiếp theo nhé, hãy theo tôi.

Nguyễn Phan Anh PA Marketing

LH: 0889 255678 – 0906 950333

Fanpage:  http://www.fb.com/phananhonline

Website:  http://www.pamarketing.vn


Bài viết liên quan