Bán sản phẩm gì trên mạng Internet?

Bán sản phẩm gì trên mạng Internet?

Chiến lựa chọn sản phẩm để bán hàng, quảng cáo trên Mạng Internet và Facebook (C) 2017 by Nguyễn Phan Anh
“Một sản phẩm không được gọi là sản phẩm, mà chỉ là một bảo vật cho đến khi nó được bán ra.” Do đó, việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng để bắt đầu công việc kinh doanh là vô cùng quan trọng, vì không phải sản phẩm nào cũng có thể bán thành công trên Facebook. Facebook chỉ là một kênh bán hàng, nơi bạn có thể chia sẻ thông tin, hỗ trợ khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Đó không phải là nơi bán hàng vạn năng, nên một sản phẩm không phù hợp sẽ khó được thị trường chấp nhận ngay cả khi bạn bán trên những kênh trực tuyến khác hay trên cửa hàng.

Phân tích đoạn thị trường người dùng Facebook trên thế giới

Trên thế giới, có hơn 2 tỷ người sử dụng mạng xã hội. Trong đó Facebook là mạng xã hội chiếm tỷ lệ người dùng áp đảo Facebook công bố tính đến cuối tháng 6/2016, đã có gần 1,65 tỷ người sử dụng Facebook ít nhất một lần mỗi tháng. Trong đó, 968 triệu người kiểm tra tài khoản Facebook hàng ngày. Thời gian trung bình sử dụng mạng xã hội của thế giới là 2,4 giờ/người. Trong đó, một tỷ lệ lớn là những người trẻ tuổi nằm trong độ tuổi 21 – 34, chiếm khoảng 60% lượng người dùng. Đây sẽ là đoạn thị trường mục tiêu của những shop, thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ phù hợp với nhu cầu, sở thích, lối sống của lứa tuổi này.
Nghiên cứu sản phẩm/dịch vụ được ưa chuộng trên Facebook của Nielsen Global năm 2016 đã chỉ ra rằng: vé máy bay, các tour du lịch, eBook, vé tham dự các event, phần mềm máy tính, âm nhạc, video, game, quần áo, sách, điện thoại là top 10 danh mục sản phẩm được ưa chuộng nhất trên Facebook. Trong đó, vé máy bay, quần áo, tour du lịch, dịch vụ khách sạn là những dịch vụ/sản phẩm thuộc top 3 sản phẩm tiêu dùng trực tuyến nhiều nhất. Và kết quả phân tích riêng tại thị trường Châu Á cũng cho cùng một kết quả tương tự.

Phân tích phân đoạn thị trường người dùng Facebook tại Việt Nam

Theo số liệu phân tích thị trường người dùng Facebook tại Việt Nam tại thời điểm hiện tại là khoảng 41 triệu người dùng Facebook, cụ thể nếu xem tại Facebook Insight do Facebook cung cấp, người dùng ở độ tuổi 18 – 34 chiếm hơn 80%, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn trong cả nước, chiếm tỉ lệ áp đảo là khoảng 9,0 triệu người ở Hà Nội và khoảng 7 triệu người ở Hồ Chí Minh (theo Facebook Insight, con số thực tế có thể thay đổi chút theo từng thời điểm). Những số liệu tổng quan đã cho thấy, các sản phẩm phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ, những người nằm trong độ tuổi 18 – 34 sẽ dễ được thị trường chấp nhận hơn. Đây là đoạn thị trường nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, đa dạng để khẳng định cái tôi bản thân, sở thích, cá tính, chạy theo thời trang, trào lưu…
Theo thống kê, những mặt hàng được cộng đồng sử dụng Facebook ở Việt Nam quan tâm là những sản phẩm/dịch vụ thiên về giải trí, ẩm thực, thời trang, làm đẹp. Cụ thể là: 51% người dùng có nhu cầu mua/đặt chỗ vé máy bay trực tuyến, 55% có nhu cầu ăn uống, 52% có nhu cầu đặt tour du lịch/khách sạn, 37% có nhu cầu tiêu dùng mỹ phẩm, 28% có nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép, phụ kiện trên Facebook. Các mặt hàng công nghệ cũng là một trong số những sản phẩm được ưa thích mua sắm trực tuyến là 35% với điện thoại di động và 26% với các thiết bị điện tử khác (ti vi, camera…). Tuy nhiên, lựa chọn sản phẩm gì, chất lượng như thế nào để bắt đầu kinh doanh vẫn không phải là câu hỏi đơn giản với những người mới bắt đầu có ý định kinh doanh trên Facebook.
Với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, việc xuất hiện trên Facebook, kết hợp với website để quảng bá, tiếp cận khách hàng vẫn đang được áp dụng. Những doanh nghiệp này có lợi thế đa dạng về mẫu mã, chủng loại sản phẩm cùng các chương trình khuyến mại hấp dẫn, hướng đến phân khúc thị trường rộng nên sản phẩm của họ không cần phải lạ, độc mà chỉ cần mẫu mã đa dạng với giá cả hợp lý, dịch vụ tiện lợi là họ sẽ bán được hàng và duy trì mức doanh thu ổn định. Sẽ thật sai lầm nếu bạn muốn khởi nghiệp bằng cách đối đầu trực tiếp với các doanh nghiệp này, bởi họ đã có sẵn rất nhiều lợi thế cạnh tranh hơn bạn. Do đó, bạn cần phải tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm/dịch vụ của mình bằng tính độc, lạ, mới, giá tốt, dịch vụ mà chỉ bạn mới có… Đây chính là yếu tố then chốt để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của bạn có thể phát triển.

Lựa chọn sản phẩm kinh doanh

Sau khi tìm hiểu, phân tích nhu cầu thị trường, bạn có 4 chiến lược lựa chọn sản phẩm để kinh doanh như sau:
– Bạn có thể lựa chọn sản phẩm đã có trên thị trường.
– Bạn có thể làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu hiện có của thị trường.
– Cung cấp, sản phẩm/dịch vụ đi trước nhu cầu của thị trường trên cơ sở dự đoán sản phẩm/dịch vụ mà thị trường sẽ cần.
– Tạo ra nhu cầu của thị trường cho sản phẩm thú vị, hấp dẫn của riêng bạn.
Với mỗi quyết định lựa chọn sản phẩm để bắt đầu kinh doanh khác nhau sẽ đòi hỏi những yêu cầu khác nhau và tiềm ẩn mức độ rủi ro cũng như mang lại lợi nhuận khác nhau. Hãy xem xét bản thân và sự giúp đỡ của các mối quan hệ xung quanh bạn thật kĩ trước khi bắt đầu kinh doanh.
Tạo ra nhu cầu của thị trường với sản phẩm khác biệt của bạn.
Đây là đỉnh cao của việc bán hàng nhưng đi kèm với đó là thách thức vô cùng lớn, rủi ro cao và tất nhiên, lợi nhuận sẽ có thể rất tốt.
Nếu bạn không phải là người sáng tạo thì sản phẩm bạn tạo ra sẽ có ít sự đột phá so với sản phẩm hiện có trên thị trường và sẽ rất khó được chấp nhận. Vviệc lựa chọn quyết định tạo ra nhu cầu thị trường cho sản phẩm là việc làm đầy mạo hiểm. Ngay cả khi bạn thực sự sáng tạo, nhưng nếu sản phẩm/dịch vụ đó không phù hợp thì cũng sẽ khó bán, không chỉ là trên Facebook.
Dự đoán được nhu cầu của thị trường và cung cấp sản phẩm/dịch vụ đáp ứng nhu cầu đó
Khi bạn nhìn thấy một trào lưu mới và nhanh nhạy với thị trường, bạn có thể trở thành người tiên phong sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Trở thành người tiên phong sẽ giúp bạn có lợi thế của người dẫn đầu thị trường và cùng với đó là những đảm bảo về doanh số, lợi nhuận mà bạn sẽ đạt được.

Bán những sản phẩm đã có trên thị trường

Trong trường hợp bạn có mối quan hệ tốt với nơi cung cấp nguồn hàng, chất lượng đảm bảo, giá cả hấp dẫn thì chẳng có lý do gì mà bạn lại không tận dụng nhập hàng về bán cả. Thậm chí, bạn có thể nhận order trước và khi có khách đặt mua, bạn mới đi lấy hàng. Đây là lựa chọn cho những bạn vốn ít, không có nhiều tiền để bắt đầu kinh doanh trên Facebook. Với những sản phẩm này, rất khó có thể có sự khác biệt cho sản phẩm trừ khi bạn lựa chọn kinh doanh những mặt hàng độc, lạ, số lượng có hạn. Khi đó, bạn cần tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình bằng dịch vụ bán hàng trước, trong và sau bán. Cùng với đó là việc xây dựng chính sách bán hàng trực tuyến rõ ràng về việc bán như thế nào, thanh toán ra sao, các chính sách bảo hành, đổi trả sản phẩm, bồi thường, hỗ trợ/tư vấn trực tuyến, các chương trình khuyến mại hấp dẫn, chính sách dành cho khách hàng thân thiết, khách hàng mới mua lần đầu… Tất cả những việc đó sẽ tạo thêm khác biệt và gia tăng sự cạnh tranh cho sản phẩm/dịch vụ của bạn so với các sản phẩm/dịch vụ hiện có trên thị trường.
Tổng quan kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm: thực tế bán hàng trên Facebook tại thị trường Việt Nam rất đa dạng và phong phú, bao gồm sản phẩm là các sản phẩm vật lý( hàng hóa hữu hình) và sản phẩm vô hình( dịch vụ, sản phẩm số hóa). Các sản phẩm và dịch vụ các bạn thường thấy ở trên Facebook đó cũng chính là những sản phẩm và dịch vụ đang được bán nhiều và bán tốt trên Facebook: thời trang và phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, tiêu dùng nhanh, đồ điện tử và phụ kiện điện tử; đồ công nghệ và công nghệ cao, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe( y tế, thuốc)…; các dịch vụ như spa, viện thẩm mỹ, làm đẹp, trung tâm fitness, nhà hàng, quán karaoke, câu lạc bộ, các khóa đào tạo, dịch vụ đào tạo và giáo dục nói chung, các dịch vụ chụp ảnh( ảnh cưới, ảnh gia đình, ảnh em bé); các sản phẩm cao cấp và đắt đỏ khác như ô tô, bất động sản cũng được chạy quảng cáo và bán trên Facebook rất nhiều.
Bạn nên chọn các sản phẩm có nhu cầu mua hàng cao, người mua dễ ra quyết định mua, mức độ cần thiết của sản phẩm cao, sản phẩm hướng tới người tiêu dùng cuối cùng, lựa chọn tập khách hàng mua hàng cụ thể, ít kén chọn người mua thì cơ hội bán được hàng dễ hơn.
Các sản phẩm độc, lạ, ít có mặt trên thị trường bán lẻ một cách chính thức cũng được lựa chọn bán rất nhiều, vì người dùng Facebook khi nhìn thấy quảng cáo có thể sẽ phát sinh nhu cầu. Đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, những sản phẩm sản xuất, gia công, tự chế, tự sản xuất tại Việt Nam đang được bán rất mạnh mẽ trên Facebook.
Với mỗi quyết định đều có những ưu và nhược điểm riêng, bạn cần kết hợp với các yếu tố nội tại của bản thân cùng với kết quả nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường để ra quyết định lựa chọn cung cấp sản phẩm/dịch vụ nào, chất lượng ra sao, làm thế nào để tạo sự khác biệt.

Các cách đánh hàng, khai thác nguồn hàng.

Tìm kiếm nguồn hàng

trong nước, quốc tế( Châu Âu, Úc, Mỹ…) & nguồn hàng Trung Quốc
Trước hết, các bạn cần và nên xác định mô hình kinh doanh: bán hàng Việt Nam, hàng handmade, homemade, hàng tự sản xuất hoặc gia công được( Ví dụ như thuốc đông y, vòng đeo tay, bánh trái), hàng nhà máy; hay là hàng mua hộ – thường gọi là hàng order (Tây ban nha, Úc, Mỹ, Nhật, Châu Âu…), và hàng Trung Quốc. Bán hàng trên Facebook hiện tại thì hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng của việc có bán được hàng hay không và có thành công hay không. Nhiều người có hàng hóa tốt thì lại không có đơn hàng, không có khách hàng và ngược lại. Tất nhiên trong quá trình bán hàng và làm kinh doanh kiếm tiền trên mạng nói chung và trên Facebook nói riêng thì bạn hãy cứ áp dụng chiến lược và chiến thuật hết sức linh hoạt “cứ cái gì ra tiền là làm, là bán” – tất nhiên là phải hợp pháp nhé.

Việt Nam

Có rất nhiều nguồn hàng tốt, giá rẻ trong nước, bạn có thể liên hệ với các nhà sản xuất, các nhà bán buôn để tham gia vào quá trình bán hàng, cộng tác viên bánhàng, các group “nguồn hàng giá gốc, giá sỉ” trên mạng có khá nhiều. Lựa chọn sản phẩm phù hợp với khả năng bán hàng, kinh nghiệm kinh doanh và khả năng tài chính để kinh doanh. Lưu ý về vấn đề học phí “oánh nhầm hàng” rất cao. Không dễ gì có được kinh nghiệm này. Tìm kiếm được các nhà sản xuất, gia công, nhà buôn lớn là một lợi thế về giá vốn hàng bán. Tìm kiếm trên Google các website giá sỉ về thời trang, giầy dép, túi xách, đồ dùng, mỹ phẩm, đồ handmade… sẽ có rất nhiều. Hãy nhập thử hàng số lượng ít để kiểm tra sản phẩm và khả năng bán hàng của bản thân. Khi bán tốt hơn rồi bạn có thể tính đến việc “tự sản xuất” hoặc luôn luôn suy nghĩ về việc “liệu có thể rẻ hơn được nữa không, hãy tìm hiểu thêm các nhà sản xuất, nhà cung cấp khác, liệu có tốt hơn nữa không, liệu có đổi mới được không”.

Mô hình nhập hàng hộ, hàng xách tay, hàng “order”:

Bạn nên kiên nhẫn với mô hình order hoặc mua hàng hộ vì cũng không thể dễ dàng kiếm được tiền ngay, bán được nhiều hàng ngay trong thời gian đầu. Mô hình này phát triển tốt và giúp nhiều người bán hàng trên Facebook rất thành công và kiếm được nhiều tiền và không tốn quá nhiều chi phí quảng cáo, nhưng lại tốn nhiều chi phí về việc quản lý khách hàng và đơn hàng. Bạn có thể bán quần áo hàng hiệu Zara, H&M… và order đồng hồ nước hoa, đồ điện tử, túi xách, thuốc thang, đồ gia dụng, đồ cao cấp, đồ dùng gia đình v.v… cho khách hàng rất tốt. Bạn cần học hỏi về cách mua hàng trên các website đó thông qua các tài khoản mua hàng với thẻ thanh toán quốc tế. Bạn cũng cần tìm hiểu thêm về các công ty ship hàng, những khái niệm “chênh lệch tỷ giá”, “phí ship”, “tiền công”, “đợt giảm giá của website”, và “mã giảm giá”… vì đây là những thuật ngữ khi bạn hiểu sâu và biết cách làm thì bạn sẽ kiếm được tiền. Nguồn hàng này rất dồi dào trên mạng. Bạn có thể kết hợp với bạn bè và người thân ở nước ngoài để mua hàng sẵn về nhà/shop của bạn để bán.

Nguồn hàng Trung quốc:

đây là nguồn hàng cực kỳ dồi dào và phổ biến tại Việt Nam, cũng là mặt hàng chủ đạo bán buôn bán lẻ tại thị trường Việt Nam nói chung và trên Facebook nói riêng. Cũng có nhiều câu chuyện và kinh nghiệm cần được chia sẻ kỹ hơn trong cuốn sách này về chủ đề này nhưng tác giả không có đủ thời gian và số trang để viết tường tận về nó (vì tác giả cũng từng đi xe giường nằm sang Trung Quốc nhập hàng, sau đó thì đi máy bay – khi có điều kiện hơn đi nhập hàng, rồi nhập hàng trực tuyến tại Việt Nam thông qua các website bán hàng của Trung Quốc). Một số điều quang trọng bạn cần biết: đặt mua trực tuyến tại Việt Nam; đi đánh hàng trực tiếp tại Việt Nam; nhờ người đánh hàng hộ tại Trung Quốc( có nhiều công ty/ cá nhân làm việc này tại Trung Quốc giúp cho bạn lắm)

Đánh hàng trực tuyến:

vào các website bán buôn và bán lẻ của Trung Quốc như taobao.com, alibaba.com, aliexpress.com, 1688.com, tmall.com và nhiều trang website để mua hàng khác tại Trung Quốc. Bạn cũng phải học hỏi và tìm hiểu khá kỹ về phương thức thanh toán, chọn hàng, chọn người bán, giao nhận hàng vì hiện tượng lừa đảo trên các trang web này cũng có không ít: chuyển tiền hàng không về; hàng không đúng như hình; hàng chất lượng kém v.v… Bạn cần có các đối tác ship hàng và mua hàng hộ trên đó là chuẩn nhất. Hoặc bạn vào các diễn đàn lớn của TQ để tìm đối tác, rất nhiều người bán hàng TQ bây giờ cũng có khả năng nói tiếng Anh và tiếng Việt, bạn có thể trò truyện và tìm hiểu thông tin nhập hàng, lưu ý về việc nhập hàng sẽ có rủi ro, vì vậy cần có bên thứ ba tin cậy( công ty VN, cá nhân người VN mà bạn biết) để giúp đỡ bạn nhé.

Đánh hàng trực tiếp:

bạn có thể xin Visa đi TQ( khoảng 165 usd/ 1 lần), nếu đi nhiều thì bạn xin cả tháng, 6 tháng hoặc 1 năm( tùy trường hợp và thời điểm thì Đại sứ quán có thể cấp hoặc không cấp visa dài hạn); bạn chọn phương tiện đi: ô tô thì giá rẻ nhưng mất thời gian( phù hợp với những người ít vốn, mới đi), đi máy bay khứ hồi( săn vé giá rẻ hoặc săn vé của China Airlines cho rẻ; chuẩn bị tiền Nhân dân tệ trước đi nhé, thuê nhà nghỉ hoặc khách sạn ở gần các chợ bạn muốn đến mua hàng; đi mua hàng bạn có thể đi taxi hoặc tàu điện ngầm khá rẻ; có người biết tiếng Trung đi cùng là một lợi thế hoặc có thể thuê phiên dịch viên bên Trung Quốc( phí dịch vụ trung bình khoảng 800K-1 triệu/ ngày) hoặc là dùng “body language” để mua hàng không vấn đề gì; mua hàng nhiều thì kết hợp với kho hàng của đơn vị vận chuyển để nhận hàng và ship hàng về VN cho bạn. Lên danh sách các khu chợ và địa chỉ cần đi để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Nhờ các đơn vị giao hàng, ship hàng hộ, mua hộ giúp bạn:

bạn sẽ phải trả phí đổi ngoại tệ, phí mua hộ, phí ship hàng cho đơn hàng của bạn, việc mua hàng kiểu này khá dễ dàng vì có nhiều công ty/ cá nhân giúp bạn mua hộ lắm.

Nếu bạn là một doanh nghiệp lớn hoặc là một “cao thủ doanh nhân” cao thủ

Bạn có thể sang tận trung quốc trực tiếp đi đến từng chợ, từng nhà sản xuất để mua nguyên liệu đầu vào, đi tìm một đơn vị sản xuất để ký hợp đồng sản xuất cho bạn, mọi thứ đều có thể bạn nhé, giá sp sẽ rẻ bất ngờ, rẻ kinh hoàng mà bạn không nghĩ đến đâu. Kiểu này chỉ dành cho những người làm kinh doanh lớn, có vốn lớn, sản xuất sản phẩm số lượng lớn (thường là vài trăm, vài nghìn đến vài vạn sản phẩm/ 1 mẫu hàng). Bản thân tôi cũng từng đi nhập hàng bên Trung quốc từ cách đây 6-7 năm trước nhưng giờ thì không phải đi nữa rồi.
Rất mong nhận được sự trao đổi với các anh chị.
Trân trọng!
© 2017 by Phan Anh

Xem thêm: Quy trình làm quảng cáo và chăm sóc khách hàng

 


Bài viết liên quan