GIÁ SÀN VÉ MÁY BAY – QUYẾT ĐỊNH VI PHẠM NGUYÊN TẮC THỊ HÀNG KHÔNG TỰ DO???

Giá sàn vé máy bay

GIÁ SÀN VÉ MÁY BAY – QUY ĐỊNH VI PHẠM NGUYÊN TẮC THỊ HÀNG KHÔNG TỰ DO???

Giá sàn vé máy bay – không thể tùy tiện đưa ra quy định ở cấp quản lý vì các yếu tố pháp lý và tác động đến thị trường.

Tôi cũng được đi qua 15 quốc gia, và cũng được bay với nhiều hãng bay, so với hành khách thông thường tại Việt Nam, tôi phỏng đoán rằng mức độ trải nghiệm về các chuyến bay của tôi ở mức “trên trung bình trung”, tôi từng được bay với hãng Qatar, Fly Emirate, Air France, China Southern, Jet Blue, United Airlines… Khi tôi đi du lịch sang Mỹ – đi du lịch theo dạng tự túc, tự đi, tự khám phá (mà đến giờ tôi nghĩ lại mình đã khá liều lĩnh mặc dù chuyến đi rất tốt đẹp và có nhiều trải nghiệm giúp tôi hiểu hơn về nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung) tôi đã bay rất nhiều chuyến bay nội địa của Mỹ, có chuyến bay dài nhất là xuyên chiều dài nước Mỹ, vé máy bay thời điểm đó (2019) cũng khá rẻ, thậm chí so sánh tôi còn cảm thấy rẻ hơn ở Việt Nam. Mỹ cũng là quốc gia có số lượng hãng hàng không rất lớn, bởi họ chú trọng phát triển hàng không, hơn nữa diện tích của nước Mỹ khá rộng lớn, dân số khá đông, cho phép các hãng hàng không đều có thị phần nhất định.

Mới đây, cục hàng không Việt Nam đưa ra quy định áp dụng mức giá sàn vé máy bay.

Bình thường tôi chọn hãng hàng không dựa trên các tiêu chí: chuyến bay an toàn, chuyến bay đúng giờ (không hủy chuyến, không trễ chuyến, không gom khách) và chi phí cho giá vé, nếu giá vé quá cao, tôi sẽ ưu tiên chi phí hàng đầu, tôi chấp nhận có thể trễ chuyến bằng cách đi sớm hơn nhưng vẫn đảm bảo công việc.

Tôi không đánh giá về việc mức giá sàn 440K, 750K là cao hay thấp, bởi tôi vẫn luôn hiểu rằng “chẳng có gì đắt với người giàu, chẳng có gì rẻ với người nghèo, kinh doanh thì phải có lãi chứ, người ta không đi làm từ thiện” (mà giờ chúng ta mới biết rằng từ thiện là nghề hái ra tiền đấy). Tôi chỉ thấy ngạc nhiên về việc một cơ quan cấp Cục của một Bộ lại có quyền đưa ra mức giá sàn cho một ngành hàng/ lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn dựa trên sự tự do của thị trường (một thị trường hoàn hảo, được phép cạnh tranh). Nếu là giá xăng, giá điện, giá nước sạch… mà cơ quan chính phủ ra quyết định về giá trần, giá sàn hoặc giá cố định thì chúng ta đều hiểu đó là ngành hàng độc quyền, ngành hàng thiết yếu chính phủ quy định và kiểm soát.

Thứ hai, giả sử lý thuyết về bàn tay thép của chính phủ can thiệp thị trường là đúng đắn, thì lập luận của cơ quan Cục Hàng không đưa ra là để “phục hồi và giúp đỡ cho các hãng bay” sau đại dịch, có thể giả định là một động lực chính đáng. Tuy nhiên, phân tích tác động của chính sách này đến hiệu quả kinh doanh dựa theo mô hình nào, lý thuyết kinh thế học nào, hoặc các bài học từ thực tiễn của các quốc gia nào, hãng hàng không nào, và các kịch bản giả định đưa ra (minh chứng) là gì? Không thấy có học giả kinh tế nào chạy mô hình phân tích dự báo chỉ số giữa việc quy định mức giá sàn và tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận của ngành hàng không Việt Nam. Hoàn toàn không có.

Hiện nay, theo báo cáo số liệu của Vietnam Airlines thì hãng hàng không này đang thua lỗ hơn 10.000 tỷ (hơn mười nghìn tỷ đồng) và nợ khoảng 7.000 tỷ (bẩy nghìn tỷ đồng). Còn hãng Vietjet và hãng Bamboo không thấy/ chưa thấy báo cáo, dù cũng sẽ biết là bị thua lỗ hoặc giảm giá trị sổ sách do chi phí thì vẫn phải chi trả trong khi hầu như không có doanh thu là mấy.

Về lý thuyết, muốn tăng doanh số thì phải tăng khách hàng, muốn tăng lợi nhuận thì phải tăng doanh số và doanh số lớn hơn chi phí sẽ tạo ra lợi nhuận. Muốn tăng khách hàng thì phải kích cầu, phải giảm giá, phải nâng cao chất lượng phục vụ, quan trọng là phải hết dịch, hết giãn cách, mọi người đều có quyền đi lại bình thường và bình đẳng. Công việc được phục hồi thì tự khắc có nhu cầu đi lại, du lịch được mở cửa thì tự khắc có nhu cầu đi lại và những nhu cầu khác cần đến vé máy bay (ví dụ như thích vào Sài Gòn thăm người em gái nhỏ, uống ly café rồi chiều lại ra Hà Nội) và sẽ tăng được doanh số. Điều này thì các CEO, các CMO, CCO, COO họ tự nghĩ, tự làm, họ không làm được thì họ phá sản, hãng khác lại mọc lên, chính phủ can thiệp làm gì việc này???

Chính phủ đang muốn kích cầu ngành du lịch nội địa và quốc tế, nhưng quy định giá sàn tối thiểu thì chính là một trở ngại của việc tăng số lượng khách hàng nội địa và quốc tế đến Việt Nam, chủ trương thì đúng đắn nhưng chính sách thì lại bị ngược lại, gây tác động ngược.

Chủ tịch Quốc hội mới đây nhất (tháng 9/2021) có nói về việc là các cơ quan ban hành pháp luật, văn bản pháp lý cần phải làm sao không còn tình trạng “luật đoản thọ” – tức là tung ra loạn cào cào, chẳng có nghiên cứu phân tích kỹ gì, sau đó thấy không hợp lý thì lại thu hồi. Tôi thấy Công văn quy định này của Cục Hàng không có vẻ như (tôi chỉ phỏng đoán) cũng sẽ là một văn bản đoản thọ như vậy. Vì đưa ra quy định phi thị trường và hoàn toàn không kích cầu được cho người dân và doanh nghiệp. Thậm chí có thể gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp và thị trường nội địa. Vì giá vé cao nên xu hướng của người tiêu dùng sẽ phải lựa chọn phương tiện khác nhưng như vậy hiệu quả kinh tế không cao (họ phải mất nhiều thời gian để lênh đênh trên tàu hỏa hoặc ô tô Bắc Nam) trong khi đó đáng lẽ “vèo một cái” là họ đã đến Hà Nội/ Đà Nẵng/ Hồ Chí Minh để thực hiện công việc của mình – lúc này chi phí cơ hội của người dân bị đẩy lên quá cao. Và như vậy hiệu quả của chính sách tới nền kinh tế là âm, là tác động ngược, hoàn toàn không có hiệu quả, gây ra hậu quả to lớn thì đúng hơn.

Cuối cùng, việc áp dụng vé giá sàn sẽ gây ra thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các hãng máy bay vận hành hiệu quả có thể tính toán, cung cấp các chuyến bay với mức giá siêu rẻ để thu hút thêm khách hàng nhưng vẫn có lợi nhuận. Nhưng khi chính phủ áp giá sàn, họ không thể bán vé dưới giá sàn để tăng khách hàng, từ đó mất đi doanh thu.

Ngành hàng không không phải là ngành hàng độc quyền, với 4 hãng bay đã có trên thị trường có thể đủ sức cạnh tranh với nhau, và sau này có thêm các hãng khác nữa, người tiêu dùng là có lợi nhất. Cạnh tranh lành mạnh là điều cần thiết cho một thị trường có thể phát triển mạnh.

Về lý thuyết, nếu một chính phủ muốn giúp đỡ doanh nghiệp của mình (hoàn toàn cần thiết) và trong tình huống cụ thể này thì Chính phủ có thể giúp gì: có thể trợ giá cho vé máy bay để người dân được đi du lịch nhiều hơn, có thể vận động các khu du lịch giảm giá đồng loạt để kích cầu, giảm thu thuế nhiên liệu, giảm thu thuế môi trường; cho doanh nghiệp hàng không, du lịch vay tiền dài hạn với lãi suất bằng 0 hoặc rất thấp; hỗ trợ đào tạo tri thức cho doanh nghiệp để họ quản trị kinh doanh hiệu quả hơn, đó là những hỗ trợ “hộp màu xanh” – hợp lệ mà không gây bóp méo thị trường.

Kết luận: Cơ quan quản lý cấp trên (Bộ) hoặc Trung ương cần đánh giá, xem xét lại văn bản quy định về giá sàn tối thiểu cho vé máy bay, trước khi ban hành hoặc cho phép áp dụng quy định này, vì rất có thể, tác động xấu của chính sách này nhiều hơn là tác động tích cực.

Đây chỉ là một số nhận định của cá nhân mang tính chuyên môn kinh tế học. Hoàn toàn không phải là một vấn đề chính trị!

Mời các anh chị chia sẻ hoặc phản biện.

Tác giả: Phan Anh – www.pamarketing.vn/giang-vien/phan-anh

FB: www.fb.com/phananhonline

Gmail: phananhonline@gmail.com

Hotline: 0989623888


Bài viết liên quan